(kontumtv.vn) –  Giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên ghi dấu những tên đất tên người đi vào lịch sử. Ở vùng núi cao Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, 60 năm trước, căn cứ của Tỉnh ủy Kon Tum đã ra đời. 60 năm sau, trước thềm năm mới Canh Tý 2020, lớp cháu con của vùng kháng chiến kiên cường ngày nào đã cùng “về nguồn”, trở lại khu di tích lịch sử cách mạng hôm nay, để nhớ về mốc son sáng ngời trong chặng đường gian nan mà anh dũng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc địa phương.

Cựu chiến binh A Duân, già làng Pu Tá, xã Măng Ri dẫn chúng tôi về thăm lại Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy. Lúa đã gặt trên những thửa ruộng bậc thang chập chùng đồi núi. Đất khan khô chờ một mùa cuốc vỡ và sạ gieo sắp sang. Đang rét, làng Ngọc La mây mù, nhưng tạnh ráo; nên không khỏi bất ngờ khi đường lên con dốc dài và cao hút đến khu di tích thì trời luôn rả rích mưa. Sắp sang xuân mà dường như mùa khô chưa trở lại với nơi này…

 70 tuổi, nhưng già A Duân vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ cuốc bộ leo cao xem ra chưa thấm vào đâu so với sự dẻo dai của già. Già sinh ra và lớn lên ở làng Pu Tá, xã Măng Xăng, H80 ngày trước; nay là xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Cuối năm 1959, Ban Cán sự Tỉnh ủy chuyển cơ quan từ Nước Chè ( thuộc H29) về H80 xây dựng căn cứ. Tháng 4 năm 1964, A Duân thoát ly, làm liên lạc.  Già  A Duân kể: “Ông già tin tưởng vào Bác Hồ. Còn sống tiếp tục làm thế nào để giải phóng đất nước, dành độc lập tự do cho nhân dân. Không cho đế quốc xâm lược Việt nam, đuổi cho nó về nước. Xác định như vậy”.

Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum nằm về phía đông bắc xã Măng Ri, ở độ cao 1900 mét so với mặt nước biển, giữa quần thể núi Ngọc Chao Chang, Ngọc Kô Chi, Đăk Roong… trùng điệp. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng. Phía bắc được che chắn bởi dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ cao gần 2600 m so với mặt nước biển. Phía đông là căn cứ Khu ủy Khu 5. Phía tây và tây bắc giáp các khu căn cứ Đăk Min, xã Xốp của H30; khu căn cứ Lê Văng, Kon Chai, Long Plai của H80. Phía nam gần với căn cứ Tam Roong, Tu cấp, Tu Thó cũng thuộc H80…

Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum
Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum

Căn cứ Tỉnh uỷ tại Măng Ri được duy trì hoạt động liên tục trong 12 năm, từ  năm 1960 đến 1972. Tại đây, Ban Cán sự Đảng Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo bố trí lực lượng, gây dựng phong trào, tiến hành công tác và chỉ đạo tổ chức 04 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó, hai lần đại hội được tổ chức tại chính vùng căn cứ này. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại khu vực dưới chân núi Ngọc Ang gần làng Mô Gia, vào tháng 3/1960 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 10/1965, tại làng Đăk Viên. Già  A Duân nhớ lại: “Khi ông già đi họ giao cho ông già khẩu cac bin thôi. Ông già đi, tới đâu ngủ đó; không có cơm gì đâu. Tôi phải ăn mì tươi. Vùng này có trồng mì đâu, phải mang từ xa”.

Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum có vị trí, vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Bắc Tây Nguyên, góp phần tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng góp phần vào chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, giải phóng thị xã Kon Tum; góp phần đi tới Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 đại thắng, thống nhất đất nước.

Tháng 8/2007, Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh uỷ Kon Tum đã được xếp hạng cấp tỉnh. Chào mừng sự kiện đáng nhớ này, ngày ấy, Huyện Đoàn Tu Mơ Rông đã tổ chức chương trình “Về nguồn” đầy ý nghĩa. Ông Nguyễn Văn Hay, Phó Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri nói: “Lúc đó, với cương vị Bí thư Huyện Đoàn, tôi đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên huyện Tu Mơ Rông về nguồn để giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng. Thời điểm ấy đường sá rất khó khăn, tuy nhiên với tinh thần tuổi trẻ, chúng tôi đã tổ chức được 1 chuyến đi, huy động khoảng 300 đoàn viên thạnh niên tham gia về nguồn”.

  60 năm kể từ ngày khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được chuyển từ Nước Chè, H29 (nay là xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) về xã Măng Xăng, H80 (nay là xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông), Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy đã được trùng tu, tôn tạo; trở thành địa chỉ “về nguồn” đầy ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và trở thành điểm đến thu hút trong hành trình khám phá mảnh đất Bắc Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng. Em Y Hai, học sinh Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Măng Ri xúc động: “Hôm nay chúng con được nghe ông kể chuyện. Chúng con rất tự hào và phát huy truyền thống của cha ông để lại, chúng con hứa sẽ học tập thật tốt”.

 “Hoạt động ngoại khóa diễn ra để giúp các em hiểu hơn về cách mạng, hiểu hơn về Khu Di tích của Tỉnh ủy ở xã Măng Ri. Hàng năm, nhà trường chọn để dẫn các em lên trên này để thăm khu di tích, để các em tận mắt chứng kiến khu Tỉnh ủy Kon Tum mình như thế nào. Giáo dục các em qua các môn học, đặc biệt là môn học lịch sử, có một bộ phận lịch sử địa phương, giáo dục rất tốt các em về  truyền thống cách mạng, truyền thống của cha anh”. Thầy giáo Huỳnh Phú Tân, Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Măng Ri chia sẻ.

60 năm đã trôi qua kể từ ngày Khu Căn cứ Tỉnh ủy ra đời tại Măng Ri. Cuộc sống của đồng bào địa phương đã có nhiều đổi thay. Trong khu vực rừng nguyên sinh cách đấy không xa, đã có những vườn sâm Ngọc Linh, loài “thuốc giấu” quý hiếm của đồng bào Xê Đăng được khoanh vùng để trồng và chăm sóc, hứa hẹn tương lai tươi sáng của mảnh đất lịch sử vùng Bắc Tây Nguyên.

Nghĩa Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *