(kontumtv.vn) – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10:

Nghị quyết về Chính phủ điện tử

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Cụ thể, trong ba năm 2015 – 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

viet nam day manh phat trien chinh phu dien tu hinh 0
Ảnh minh họa.

Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Bên cạnh đó, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Khẩn trương triển khai các giải pháp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT; tập trung vào giải pháp đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từng bước triển khai các hệ thống thông tin quốc gia về dân cư, đất đai – xây dựng, doanh nghiệp… Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử.

Khẩn trương triển khai các giải pháp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương. Đến năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3. Tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Xây dựng, ban hành và hàng năm cập nhật danh sách các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 của các bộ, ngành, địa phương.

Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm an ninh thông tin, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,  thành phố trực thuộc Trung ương được chỉ định thầu; xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định.

Bổ sung, nâng cấp và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc lên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương. Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Đẩy nhanh thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT

Nghị quyết nêu rõ, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Ghi loại chi CNTT theo phân ngành kinh tế trong hệ thống mục lục ngân sách như quy định tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006; sử dụng nguồn kinh phí khoa học công nghệ để thực hiện nội dung ứng dụng CNTT trong nhiệm vụ khoa học – công nghệ và đầu tư hạ tầng thông tin khoa học – công nghệ; sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cho những nhiệm vụ cụ thể.

Khẩn trương hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong triển khai các dịch vụ công có thu. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.

Ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO

Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của LHQ.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử) trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ theo kế hoạch và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) và các ngân hàng thương mại triển khai thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử̉ theo thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và có các hình thức khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt; có các biện pháp, chế tài đối với các đơn vị chưa hoàn thành mục tiệu, nhiệm vụ đề ra.

Kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản trước 1/1/2016

Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, hoàn thành trước ngày 1/1/2016; tổ chức triển khai phần mềm quản lý văn bản đối với các cơ quan chưa có hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông.

Thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội – chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ được giao thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, hoàn thành trước ngày 1/1/2016.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trước ngày 1/3/2016; đối với Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành trước 15/10/2015. Thiết lập Trang tin doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước.

 3 trường hợp Nhà nước mua lại toàn bộ doanh nghiệp

Theo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành, Nhà nước thực hiện đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong 3 trường hợp. 3 trường hợp gồm:

1- Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2- Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo.

3-  Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN

Nghị định cũng quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước gồm: 1-  Doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội (như dịch vụ bưu chính công ích; quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, bảo đảm an toàn bay, bảo đảm an toàn hàng hải…); 2-  Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ; 3- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên (gồm hệ thống truyền tải điện quốc gia; in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng; xổ số kiến thiết; DNNN có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô); 4-  Doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

2 trường hợp được đầu tư bổ sung vốn điều lệ

Nghị định cũng quy định rõ 2 trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động gồm:

1- Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có hiệu quả có mức vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2- Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước được xác định hoạt động có hiệu quả phải đảm bảo kết quả xếp loại doanh nghiệp nhà nước của ba năm liền kề trước năm xác định bổ sung vốn điều lệ đạt từ loại B trở lên theo công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2015.

 Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày Lễ, Tết của phạm nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Theo đó, chế độ ăn, nghỉ lao động trong các ngày Lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 29, Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự và Khoản 1 Điều 115 Bộ Luật lao động năm 2012.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 29 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng; được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật. Thời gian phạm nhân lao động và học tập, học nghề không quá 8 giờ trong 1 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ nhưng không được quá 2 giờ trong 1 ngày. Trường hợp phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

Khoản 1 Điều 115 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định rõ, phạm nhân được nghỉ làm việc trong những ngày lễ, tết: Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch 05 ngày; Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân, theo Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho phạm nhân ăn hết tiêu chuẩn.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài. Cụ thể, phạm nhân là người nước ngoài được quản lý giam giữ riêng trong trại giam. Các chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài được thực hiện như quy định đối với phạm nhân là người Việt Nam, ngoài ra còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết Cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ. Chế độ ăn ngày Tết Cổ truyền, ngày Quốc khánh thực hiện theo quy định nêu trên.

 Xem xét thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp.

10 doanh nghiệp trên gồm: 1- Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); 2- Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%); 3- Công ty cổ phần cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6%); 4- Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37,1%); 5- Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%); 6- Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%); 7- Công ty cổ phần sữa Việt Nam (45,1%); 8- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); 9- Công ty cổ phần FPT (6,0%); 10- Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%).

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp: 1- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); 2- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang; 3- Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào; 4- Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC; 5- Tập đoàn Bảo Việt; 6- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; 7- Công ty cổ phần TRAPHACO; 8- Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; 9- Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO.

 Chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí và cấp “Giấy chứng nhận” đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo đó, đối tượng được áp dụng chính sách trên là người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, trong thời gian và địa bàn như sau:

1- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia.

2- Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 12/1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, ở Campuchia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.

3- Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của dân công hỏa tuyến có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Nếu các đối tượng trên thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được áp dụng chính sách này:

1- Hiện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hằng tháng hoặc đang công tác trong cơ quan Nhà nước, làm việc trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2- Đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

3- Đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân; hoặc người bị kết án về một trong những tội về xâm phạm đến an ninh quốc gia.

4- Xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích; hoặc thoái thác nhiệm vụ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.

Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí.

Trợ cấp một lần từ 2 – 3,5 triệu đồng

Theo quy định, mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hoả tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn). Cụ thể: Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Quyết định quy định, người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự như đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Người tham gia dân công hỏa tuyến được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia dân công hỏa tuyến.

 Xây cầu Châu Đốc theo hình thức BOT

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1, tỉnh An Giang theo hình thức Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

Dự án xây dựng cầu Châu Đốc có tổng chiều dài 3,26km, trong đó cầu Châu Đốc dài 667m, rộng 12m cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án là 931 tỉ đồng và nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn trong 25 năm và 2 tháng. Công trình sẽ khởi công trong quý IV/2015 và hoàn thành vào quý I/2017.

 Xác minh phản ánh về tình trạng phân bón giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xác minh nội dung báo Tiền phong phản ánh qua bài viết “Phân bón giả – Tai họa của nhà nông”.

Trước đó, Báo Tiền phong số 285 ngày 12/10/2015, có bài “Phân bó giả – Tai họa của nhà nông” phản ánh tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang diễn biến phức tạp và một số bất cập trong quản lý nhà nước về phân bón.

Về việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung báo Tiền phong phản ánh; đề xuất biện pháp xử lý lên Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong tháng 11/2015.

 Hướng dẫn chi trả trợ giúp xã hội qua bưu điện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn cụ thể quy trình cung cấp dịch vụ, phí dịch vụ chi trả và các nội dung khác có liên quan đối với thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống bưu điện.

Được biết, trong tháng 5/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã ký kết thỏa thuận cung cấp dịch vụ chi trả “Gói trợ cấp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình” qua bưu điện trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” (SASSP).

Theo thỏa thuận, trong thời gian thí điểm của Dự án, từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/6/2018, BĐVN sẽ thực hiện chi trả bằng tiền mặt gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình và thù lao hằng tháng cho cộng tác viên xã hội thuộc Dự án trên địa bàn 4 tỉnh triển khai thí điểm là Hà Giang, Quảng Nam, Trà Vinh và Lâm Đồng.

Việc chi trả “Gói trợ giúp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình” qua bưu điện, không chỉ tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm phục vụ, chất lượng dịch vụ của bưu điện, đảm bảo thuận tiện, nhận đúng, nhận đủ số tiền, đúng thời gian quy định… mà còn góp phần đảm bảo sự minh bạch giữa công tác quản lý và chi trả các chính sách trợ cấp xã hội, đảm bảo an toàn nguồn tiền cũng như công tác thanh quyết toán.

Từ năm 2011, BĐVN cũng đã triển khai dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, đến nay đã thực hiện tại 62 tỉnh thành, hơn 2 triệu người hưởng, với tổng số tiền gần 80.000 tỷ đồng/năm. BĐVN cũng đang tham gia thực hiện chi trả bảo trợ xã hội tại 6 tỉnh là Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Hà Giang, Hòa Bình và Lâm Đồng./.

PV/VOV-Trung tâm tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *