Việt Nam tham dự Phiên họp trực tuyến cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
25.09.2020(kontumtv.vn) – Nhận lời mời của Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou, ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Quản trị toàn cầu giai đoạn sau COVID-19 và hòa bình, an ninh quốc tế” do Niger, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 9/2020 tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của 4 Tổng thống (Niger, Nam Phi, Estonia, Tunisia), 2 Phó Thủ tướng (Saint Vincent & Grenadines, Việt Nam), 4 Bộ trưởng Ngoại giao (Trung Quốc, Nga, Pháp, Bỉ), Quốc vụ khanh Đức và Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, đại diện ngoại giao Mỹ, Cộng hòa Dominicana và các báo cáo viên gồm Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat.
Trong phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định chủ nghĩa đa phương, hòa bình và an ninh quốc tế đang bị tác động nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu diễn biến phức tạp, đồng thời COVID-19 là nhân tố làm bộc lộ những yếu điểm của hệ thống quản trị toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, Liên hợp quốc cần tăng cường hợp tác cùng các tổ chức khu vực và các đối tác quốc tế khác nhằm tìm giải pháp toàn diện cho những thách thức này, tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của thế giới đối với các rủi ro an ninh do đại dịch COVID-19 gây ra; các thể chế đa phương có vai trò thiết yếu trong xử lý các vấn đề toàn cầu một cách bền vững; các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế, cùng “phối hợp, linh hoạt và sẵn sàng hành động” để vượt qua những trở ngại trước mắt.
Chủ tịch Ủy ban AU kêu gọi nâng cao năng lực của hệ thống y tế toàn cầu, bao gồm sớm nghiên cứu và sản xuất vắc-xin; khẳng định AU mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một thế giới đoàn kết, hợp tác.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh chỉ trong vòng hơn một tháng qua, thế giới có tới hơn 10 triệu người đã mắc COVID-19, hơn 200 nghìn người thiệt mạng và còn rất nhiều người dân khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những tác động kéo dài của đại dịch. Điều đó cho thấy thế giới chúng ta dễ bị thương tổn, làm nổi lên những thách thức đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ như hệ thống y tế còn bất cập; những hạn chế trong bảo trợ xã hội; bất bình đẳng; suy thoái môi trường; khủng hoảng khí hậu, đồng thời đại dịch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác đa phương, gây ra những căng thẳng về chính trị, xu thế vị kỷ, thậm chí lợi dụng đại dịch như một công cụ để kích động phân biệt đối xử và hận thù.
Phó Thủ tướng nhận định kinh nghiệm ở nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam và ASEAN, cho thấy quản trị tốt chính là nền tảng để vượt qua dịch COVID-19, đặc biệt là thông qua việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm, cảnh báo và ứng phó sớm, thống nhất và gắn kết xã hội, tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển. Một nền quản trị toàn cầu tốt cần hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, theo đó cộng đồng quốc tế cần ưu tiên phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển, giải quyết bất bình đẳng và nguyên nhân gốc rễ của xung đột, bảo vệ và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tỵ nạn, người phải rời bỏ chỗ ở do xung đột, đồng thời tăng cường các cam kết chính trị và tài chính, đặc biệt từ các nước phát triển, để hỗ trợ những nhóm người dễ bị tổn thương và các quốc gia đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề có ý nghĩa tiên quyết là các quốc gia xây dựng lòng tin, duy trì cam kết và cùng nhau hợp tác để thượng tôn chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm điều phối và vai trò tích cực hơn của các tổ chức khu vực. Về phần mình, các cơ chế đa phương cần thúc đẩy cải cách hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong bối cảnh môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.
Phó Thủ tướng cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần thể hiện hợp tác ở mức độ cao nhất, nâng cao khả năng thích ứng để ứng phó với những thách thức an ninh toàn cầu và các thách thức an ninh phi truyền thống, sử dụng tốt nhất những công cụ trong thẩm quyền của mình, đặc biệt là ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột và triển khai các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ việc thực hiện Nghị quyết 2532[1] của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kêu gọi các bên tham chiến thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc ngừng bắn trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng cho biết thêm vào ngày 8/8/2020, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung nhắc lại các cam kết duy trì khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định của các quốc gia Đông Nam Á, củng cố các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tiếp đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 diễn ra vào ngày 9/9/2020, các nước thành viên ASEAN đã tái khẳng định quyết tâm phát triển một khuôn khổ toàn diện để thúc đẩy các nỗ lực phục hồi sau COVID-19, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu những tác động sâu sắc của đại dịch. Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam cam kết tham gia các nỗ lực toàn cầu để ứng phó với những thách thức chung, tránh để những thách thức này ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.
[1] Nghị quyết 2532 được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 1/7/2020 với nội dung chính là kêu gọi các bên xung đột ngừng tham chiến trong vòng ít nhất 90 ngày vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho hỗ trợ và tiếp cận nhân đạo.