(kontumtv.vn) – Vụ việc về bà Quỳnh Anh sớm muộn cũng sẽ được xử lý nghiêm, song quan trọng là phải tìm ra đằng sau đó là ai, “gốc” lớn nhất là ai?

Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kết luận việc bổ nhiệm, quy hoạch đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa) có nhiều thiết sót.

Bà Quỳnh Anh không phải là người xuất sắc để được bổ nhiệm nhanh

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trường hợp bổ nhiệm bà Quỳnh Anh không phải là cá biệt khi thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc bổ nhiệm sai quy định đã được báo chí phản ánh. Song, trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” này cũng bộc lộ những điểm không bình thường.

“Ngày 18/4/2014, Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Quỳnh Anh giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. 7 tháng sau, bà này tiếp tục được cất nhắc lên Trưởng phòng. Bà này còn từng được quy hoạch vào chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng tại thời điểm năm 2014. Tại sao lại có việc bổ nhiệm lên chức nhanh như vậy? Đằng sau đó là những uẩn khúc gì thì cần được làm rõ, thông báo công khai”, ông Thưởng nói.

vu bo nhiem than toc ba quynh anh phai tim ra dang sau do la ai chong lung hinh 1
Ông Lê Quang Thưởng.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm về công tác cán bộ, ông Lê Quang Thưởng cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” có tính hai mặt. Những người trẻ, có tài năng thực sự và được xã hội, cơ quan công quyền ghi nhận thì cần thiết phải được đề bạt nhanh để họ phát huy năng lực của mình. Cho nên, nếu người trẻ được bổ nhiệm nhanh mà nghĩ rằng có tiêu cực thì cũng chưa hẳn đúng. Song, theo ông Thưởng, bà Quỳnh Anh không phải là người xuất sắc để được bổ nhiệm nhanh vào các vị trí lãnh đạo như vậy, điều đó cần được kiểm tra và minh bạch thông tin.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là phải đi tìm xem Quỳnh Anh đang ở đâu, để cô ấy giải trình những vấn đề mà báo chí và dư luận đang quan tâm” – ông Thưởng nêu quan điểm.

Kết luận thanh tra mặc dù đã chỉ khá rõ việc bổ nhiệm, quy hoạch, cho thôi việc và bàn giao công chức đối với bà Quỳnh Anh và cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hoá cũng đang vào cuộc để làm rõ dấu hiệu sai phạm của cá nhân, tập thể liên quan để từ đó tham mưu hình thức xử lý. Song, theo ông Thưởng, vụ việc này cần phải làm tiếp, các cơ quan Trung ương cần phải vào cuộc làm rõ vụ việc, đi đến tận cùng vấn đề để rút ra được bài học về công tác tổ chức cán bộ.

Tìm ra gốc của vấn đề

Nhìn nhận kết quả thanh tra về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính. Do vậy, khi các sai phạm đã được chỉ ra, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan cần phải làm rõ và xử lý nghiêm.

“Theo tôi, qua vụ việc này và nhiều vụ lùm xùm gần đây cần rà soát lại toàn bộ quy trình về công tác cán bộ. Ở đâu có khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm túc, bất kể người mắc sai phạm làm gì, giữ chức vụ gì.  Những xử lý vừa qua mặc dù cần thiết nhưng chưa đến gốc vấn đề. Gốc đó có thể là cơ chế, là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Nếu gốc chưa tìm thấy thì cành, ngọn vẫn sẽ mọc ra. Vụ việc về bà Quỳnh Anh sớm muộn cũng sẽ được làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm, song quan trọng là phải tìm ra đằng sau đó là ai, “gốc” lớn nhất là ai”, ông Phong nêu ý kiến.

Đảng ta trong toàn bộ chiều dài lịch sử, trong 30 năm đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây rất quan tâm đến công tác cán bộ. Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những mặt khiến chúng ta chưa hài lòng. Việc đó xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó bản thân cán bộ thiếu việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện; cơ chế còn có những mặt hạn chế; việc chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa nghiêm.

Nhấn mạnh thêm về việc này, ông Bùi Đình Phong cho rằng: “Thời gian qua, chúng ta mới dừng lại ở xử lý vụ việc, điều đó cần nhưng chưa đủ bởi không thể nay chạy theo vụ này, mai chạy theo vụ kia. Vấn đề là phải có quy định, cơ chế chung về công tác cán bộ chặt chẽ hơn để từ đó soi chiếu vào thì sẽ hiệu quả hơn”.

“Cần thiết phải truy cứu trách nhiệm của những cán bộ đương nhiệm, kể cả người đã nghỉ hưu khi có sai phạm… Việc kỷ luật một cán bộ không chỉ cứu được ngàn người mà cứu cả chế độ, cả dân tộc. Nếu chúng ta giải quyết vấn đề một cách nghiêm minh thì sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân với Đảng, bởi đó là sức mạnh quan trọng nhất để sự nghiệp đi đến thắng lợi”, ông Phong nói./.

 

Kim Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *