(kontumtv.vn) – “Vượt lên nỗi đau da cam để nuôi con trưởng thành” là sự nỗ lực phấn đấu của cả cuộc đời của ông Nguyễn Phi Hùng (thôn Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Ông bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 40% sau những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên.

Quê hương bị giặc chiếm đóng, năm 1962 ông Nguyễn Phi Hùng bắt đầu tham gia liên lạc tại cơ sở và đi bộ đội năm 1964 tại tỉnh Bình Định. Suốt quá trình hoạt động cách mạng đã 16 lần ông bị thương và 6 lần ông sống trong vùng chất độc hóa học trong quá trình tham gia chiến đấu, hành quân, làm rẫy. Ông Nguyễn Phi Hùng kể: “Tháng 10/1966 là lần đầu tiên Mỹ rải chất độc ở Bình Định, trong lúc đơn vị tôi đang tập ngoài gò, bắt đầu nó rải 2 bên, không biết là bao nhiêu  nhưng mà rải tối hết. Khi tôi về Gia Lai để tăng cường chiến trường Gia Lai, lúc đó tôi ở Ban An ninh. Khi ở Kông Chrò, đang ăn giữa rẫy vào mùa phát rẫy xong, đốt xong thì nó lên nó rải, lúc đó thì không chạy đi đâu được. Chiều về bắt đầu thấy ngứa, ngứa các nơi rồi mình gãi, sáng hôm sau thấy nó loét hết”.

Ông Nguyễn Phi Hùng
Ông Nguyễn Phi Hùng

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hùng về công tác tại Ban Quân quản tỉnh Gia Lai, rồi chuyển về Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh KonTum. Ông lập gia đình và định cư tại thành phố KonTum. Sau 20 năm chiến đấu và công tác, nỗi đau chiến tranh để lại trong ông không chỉ là những vết thương, mảnh đạn còn nằm lại trong cánh tay, hàng ngày ông còn phải chịu sự đau nhức do nhiễm chất độc hóa học và cả 4 người con của ông sinh ra cũng đều là nạn nhân chất độc da cam. Ông Nguyễn Phi Hùng nói: “Tôi nghĩ rằng con tôi nó học đến đâu thì tôi cũng cố gắng cho học. Nhưng tôi mong rằng các cấp, chính quyền, bên các Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Khuyến học quan tâm và tạo điều kiện để con tôi sau này học được đến nơi đến chốn để có được cái nghề nuôi sống được bán thân nó”.

Ở cái tuổi 70, sức khỏe ông Hùng mỗi ngày một yếu. Với sự trợ cấp của Nhà nước, gia đình ông phải tằn tiện mới đủ chi tiêu và nuôi các con ăn học. Cô con gái thứ 2 của ông được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum làm ông rất vui mừng, nhưng cũng không khỏi lo lắng vì những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Ông Đào Trường Bay, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố KonTum nói: ‘Được những phần quà hỗ trợ của các đoàn từ thiện hay của các nhà hảo tâm thì Hội đều quan tâm đến trường hợp của nhà ông Hùng để giúp ông ấy giảm bớt khó khăn, vì nhà ông ấy vợ thì bị tâm thần, mấy đứa con thì tật nguyền cho nên chi phí sinh hoạt cho đời sống khó khăn hơn nhiều so với các hộ khác. Trong mấy năm qua, Hội đã hỗ trợ khá tích cực, khá hiệu quả, tặng ông 1 con bò, rồi hỗ trợ máy lọc nước, tạo điều kiện cho gia đình bớt khó khăn, yên tâm, cố gắng trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.

Dù cuộc sống hàng ngày phải trải qua biết bao gian khổ do di chứng của chiến tranh để lại, nhưng ông Nguyễn Phi Hùng vẫn gắng sức vượt qua với mong muốn là chỗ dựa vững chắc để các con khôn lớn, khỏe mạnh và trưởng thành.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *