(kontumtv.vn) – Năm 2022 nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh không đạt tỉ lệ trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Lãnh đạo nhiều xã cho biết BHYT là tiêu chí gây khó khăn rất nhiều cho địa phương.

Khi một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cũng là lúc một bộ phận người dân không còn được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT). Lúc này người dân phải tự mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn hạn chế do đời sống khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương khó đạt tỉ lệ bao phủ BHYT. Ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết: “Năm 2015, xã Tân Cảnh được công nhận về đích nông thôn mới. Qua quá trình triển khai đến nay một số tiêu chí được giữ vững, tuy nhiên có một số tiêu chí không đạt được, không giữ vững được. Đối với nông thôn mới thì chúng tôi còn lại tiêu chí về BHYT.”

Ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi cho biết thêm xã Đăk Nông được công nhận nông thôn mới từ năm 2016. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, các tiêu chí xã đều phấn đấu đạt. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021  2025, xã Đăk Nông đang khó khăn 2 tiêu chí cơ bản, đó là tiêu chí về BHYT và tiêu chí về nhà ở.

Theo Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2373 của Bộ Y tế, xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phải có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên. Đối với xã nông thôn mới nâng cao phải có trên 95% hộ dân tham gia BHYT. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô cho biết, đây là chỉ tiêu khá cao so với các địa phương có đông hộ người DTTS. Năm 2022 địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Đồng thời, xã vận động nguồn xã hội hóa để mua bảo hiểm y tế cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, việc tuyên truyền vận động này chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn nên xã Diên Bình rất trăn trở về vấn đề này.

Giải thích vì sao nhiều hộ trong thôn không tự nguyện tham gia BHYT, anh A Triêng ở thôn Phia Pháp, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trước đây, dân thiểu số có thẻ bảo hiểm, giờ dân chúng tôi một nhà 5-7 người mua thì rất khó khăn. Không chỉ riêng gia đình chúng tôi thì nhiều người trong làng cũng gặp khó khăn nữa. Rất mong muốn các cấp suy nghĩ lại cái thẻ bảo hiểm cho người dân.”

Khó khăn trong đạt chỉ tiêu về BHYT còn là áp lực lớn đối với nhiều trường học. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phượng, Hiệu trưởng trường TH-THCS xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết, trường có hơn 70% học sinh người DTTS. Gia đình nhiều em khó khăn. Việc đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT theo chỉ đạo của cấp trên khiến các thầy cô giáo lúng túng: “Để đạt được chỉ tiêu BHYT trên giao thì đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cũng hết sức khó khăn, vất vả trong việc vận động bà con nhân dân thực hiện công tác này. Chúng tôi thấy việc này mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác dạy và học, mất nhiều thời gian vận động các em. Trong lúc đó các em có gia đình khó khăn thì nhắc đến việc đóng tiền thì các em nghỉ học thì nó ảnh hưởng đến duy trì sĩ số, chất lượng học tập của nhà trường.”

Anh Tô Ngọc Định, hộ có kinh tế khá ở thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết, gia đình đã tham gia BHYT nhiều năm qua nhưng năm 2023 anh không muốn tham gia tiếp. Anh cho biết, mỗi năm cả nhà đóng cả triệu đồng cho BHYT, các con anh là học sinh khi bị ốm phải đi khám vào cuối tuần thì không được chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Đó cũng là lý do nhiều hộ dân trong thôn không tham gia BHYT.

Việc phân chia đối tượng mua BHYT cũng là lý do khiến nhiều hộ dân băn khoăn. Bà Chu Thị Xuân, thôn trưởng thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi bày tỏ: “Nhà có 3-4 em học sinh thì bắt buộc phải mua ở trường theo mức quy định. Nhưng nếu các em được tham gia BHYT theo hộ gia đình thì các em sẽ được miễn giảm theo tỉ lệ phần trăm. Tôi nghĩ nếu mua theo hộ gia đình thì số tiền này không hề nhỏ đối với các hộ gia đình.”

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết, sự nỗ lực của địa phương và trường học trong thực hiện chỉ tiêu về BHYT là chưa đủ. Địa phương rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Chỉ tiêu trên 90% người dân tham gia BHYT là nhân văn. Bởi lẽ, tham gia BHYT người dân được đảm bảo quyền lợi nếu chẳng may ốm đau. Tuy nhiên, khi người dân vì khó khăn mà không tham gia BHYT; khi chính quyền vì chỉ tiêu mà  mua BHYT cho dân bằng cách xã hội hóa thì chắc chắn kết quả đạt được sẽ khó bền vững./.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *