(kontumtv.vn) – Tết Nguyên đán 2020 đang đến rất gần, khắp các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy (Kon Tum) nhộn nhịp, tất bật, chuẩn bị vui xuân – đón Tết. Nhờ chính sách quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các giải pháp thiết thực của huyện Sa Thầy, đến nay, bức tranh nông thôn ở các thôn làng đã có bước chuyển mình rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Huyện Sa Thầy có trên 50.000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ ĐBDTTS chiếm 57% dân số. Toàn huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn với 39 thôn làng ĐBDTTS. Mùa xuân này, cuộc sống của bà con ĐBDTTS trên địa bàn huyện ngày càng ấm no hơn. Bởi những năm qua, đã có hàng ngàn lượt hộ ĐBDTTS được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ về cây, con giống. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế cho hiệu quả cao.

Sinh hoạt văn hóa tại nhà rông
Sinh hoạt văn hóa tại nhà rông

Sự đổi thay rõ nét nhất phải nói đến làng Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong. Sau gần 10 năm tái định cư, cuộc sống của người dân không chỉ ổn định mà nhiều hộ đã có của ăn, của để. Dẫn chúng tôi đến thăm nhà rông mới được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông A Nuih, già làng làng Đăk Wớt Yốp chia sẻ, làng có trên 90 hộ với khoảng 400 nhân khẩu. Trước đây tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn. Để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, những năm qua được sự quan tâm của tỉnh và huyện, 100% hộ dân trong làng đều được bố trí nơi ở ổn định gắn với đất sản xuất, hỗ trợ phát triển cây công nghiệp như cà phê, cao su, hỗ trợ bò giống, cấp ngư cụ để phát triển ngành nghề đánh bắt cá tại lòng hồ thủy điện Plei Krông, được hướng dẫn nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Đến nay 98% hộ dân có thu nhập ổn định từ cây cà phê. Ngoài ra, huyện đã quan tâm, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ-Thương mại  Đăk Wớt Yốp, với gần 20 hội viên tham gia để khai thác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cá, tôm đánh bắt từ lòng hồ. Hiện đã có một sản phẩm tôm khô của bà con được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, số hộ có mức sống khá trở lên chiếm 50%, hộ nghèo giảm chỉ còn 28 hộ. Ông A Nuih, làng Đăk Wớt Yốp cho chúng tôi biết thêm: “Từ năm 2013 đến cuộc sống đỡ hơn, tiến bộ hơn nhiều. Bà con hiện nay đã có cây cà phê, ban ngày bà con làm cà phê, chiều tối bà con đi thả lưới vừa có thu nhập để nuôi cuộc sống hàng ngày. Nhà nào cũng có cây cà phê hết rồi, bà con yên tâm hết rồi”.

Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, và ngân sách địa phương từ năm 2016 đến năm 2019, huyện Sa Thầy đã tạo điều kiện cho hơn 10.000 lượt hộ nghèo ĐBDTTS được hỗ trợ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được tham gia tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất, được giới thiệu việc làm… Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, xây dựng mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có khoảng 2.000 hộ nghèo ĐBDTTS thoát nghèo. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn dưới 14%.

Ông Hrach Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết, là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, đầu tư hỗ trợ nâng cao đời sống người dân. Đến nay, bà con ĐBDTTS vùng biên đã phát triển được hơn 1.100 ha cây công nghiệp. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của tỉnh và huyện, dự án xây dựng nhà máy chế biến sữa và trang trại nuôi bò sữa tại xã Mô Rai với quy mô 560 ha đang được Tập đoàn TH khảo sát, đặt vấn đề đầu tư. Ông Hrach Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai nói: “Xã Mô Rai so sánh năm 2019 nói chung kinh tế từng bước được nâng lên. Đến nay có khoảng 40% hộ khá giàu từ trồng cây, nuôi con”.

Cùng với hỗ trợ về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thông qua các chương trình, dự án huyện Sa Thầy đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên thôn, đường vào ngõ xóm đã được bê tông hóa khang trang, tạo đà thúc đẩy kinh tế và giao thương hàng hóa. Cơ sở vật chất như nhà văn hóa, nhà rông truyền thống, sân thể thao…được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nói về công tác chuẩn bị Ngày hội Bánh chưng xanh trong vùng ĐBDTTS nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, bà Rơ Châm Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Sa Thầy cho biết: “Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, để chuẩn bị tốt cho Ngày hội Bánh chưng xanh đến nay các xã, thị trấn đã huy động đầy đủ các nguồn lực. Về kinh phí đã huy động được 439 triệu, ngoài ra ngân sách tỉnh hỗ trợ 132 triệu. Tổng số kinh phí này sẽ tổ chức gói và nấu bánh và sẽ trao tặng cho 7.848 hộ ĐBDTTS và một số hộ nghèo sinh sống trên vùng ĐBDTTS”.

Xuân đã về trên khắp thôn làng ĐBDTTS huyện Sa Thầy, niềm vui, niềm hạnh phúc lan tỏa mọi nơi về thành quả tốt đẹp sau một năm lao động. Đặc biệt, năm 2019, huyện Sa Thầy đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 28/30 chỉ tiêu đặt ra. Đây là thành quả cho sự  nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, có sự đóng góp nỗ lực rất lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện. Niềm vui trọn vẹn để đón một mùa xuân mới sẽ là động lực mạnh mẽ để hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy vững bước đi lên.

Trang Nhung – Thu Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *