(kontumtv.vn) – Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên, nhân viên Y tế thôn làng được coi là “cánh tay nối dài” của hệ thống Y tế. Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa cơ sở y tế và khó tiếp cận các dịch vụ y tế, đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt, triển khai các chương trình về Y tế đến tận người dân.

Cân, thước dây, bảng tiêu chuẩn chiều cao cân nặng của trẻ và mớ rau mồng tơi hái từ vườn nhà là hành trang trong chuyến đi hôm nay của chị Chu Lệ Khuyên, cộng tác viên Y tế thôn 1, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy. Thôn 1 có gần 40 mẹ đang mang thai và có con dưới 2 tuổi, chị Khuyên thuộc tên từng mẹ và cả từng bé: “Tôi ít khi tuyên truyền trên nhà rông vì hiệu quả tuyên truyền rất ít, các chị em đi làm về buồn ngủ nên hiệu quả rất thấp, tôi thường lồng ghép những hôm rảnh rỗi ở nhà đi lòng vòng trong thôn nếu có chị em ở làng thì tập trung lại nói chuyện, gợi ra những câu hỏi mở, ý hay liên quan đến việc tuyên truyền thì tôi gợi ý để chị em nói”.

Chị Chu Lệ Khuyên tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em
Chị Chu Lệ Khuyên tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em

Là một thành viên trong Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện do Tổ chức Unicef tài trợ tại huyện Kon Rẫy, chị Khuyên thường xuyên đến từng gia đình có trẻ nhỏ tuyên truyền cho các bà mẹ về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em; vận động, hướng dẫn chị em phòng chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để chị em hiểu rõ và thực hành tốt chế độ dinh dưỡng cho trẻ, chị còn vào bếp cùng các mẹ để hướng dẫn nấu những bữa ăn dinh dưỡng. Chị Y Lẻ (thôn 1, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) nói: “Để cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng thì mọi bữa ăn em đều đủ các thức ăn, đủ 4 nhóm chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, mỗi lần ăn đổi đồ ăn cho bé không nhàm chán, em còn cho thêm sữa, cho bé tinh thần thoải mái thì mới ăn, hấp thụ được nhiều”.

Ngoài bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng với 4 nhóm chất, việc tăng cường tương tác và chơi cùng trẻ rất cần thiết cho sự phát triển. Bằng những vật dụng có sẵn trong nhà như nắp chai, lá chuối, lá dứa, các mẹ có thể làm đồ chơi và chơi cùng con. Chị Chu Lệ Khuyên chia sẻ: “Tôi không phải người địa phương nhưng tôi học tiếng ở đây và để giao tiếp với chị em bằng tiếng Xơ Đăng tạo không khí gần gũi, chị em cởi mở hơn để nói ra những điều chị em cần. Tôi thường đi làm rẫy đổi công với chị em trong thôn, giờ giải lao chúng tôi nói chuyện, tâm sự về chuyện gia đình, con cái thì chị em rất hào hứng”.

Lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, hơn 2 năm nay, chị Khuyên vẫn rong ruổi đến từng gia đình để trò chuyện, tư vấn cho nhiều bà mẹ. Nhờ vậy, sau 2 năm làm cộng tác viên Y tế thôn làng, số trẻ suy dinh dưỡng tại thôn 1, xã Đăk Tờ Re đã giảm 6 lần, từ 12 trẻ xuống còn 2, nhiều bà mẹ tích cực tham gia vào Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện tại cộng đồng, nhận thức về cách chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con có bước chuyển biến rõ rệt. Chị Y Quý, người dân trong thôn nói: “Em mang thai gần 9 tháng, em chưa biết nhiều nên nhờ mấy chị trong làng như chị Khuyên bảo em đi tiêm phòng, khám đầy đủ, nghỉ ngơi.  Chế độ dinh dưỡng mấy chị chỉ em ăn, uống thuốc sắt, canxi đầy đủ để con phát triển”.

“Thường trước kia mấy mẹ sinh xong thì không nghỉ ngơi, có mẹ 1 tuần đã địu con lên rẫy đi làm rồi, nhưng sau khi được vận động, tuyên truyền làm như thế ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và của con thì hiện nay các mẹ sinh con ra đã ở nhà chăm con, không mang con đi rẫy. Các mẹ ý thức được chăm con, chơi cùng con, các mẹ thấy hiệu quả”. Chị Chu Lệ Khuyên cho biết.

Với những thôn làng xa xôi, nơi mạng lưới Y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, những cộng tác viên Y tế thôn làng thực sự là “cánh tay nối dài” của hệ thống Y tế, họ là những người phát huy hiệu quả về mặt truyền thông, giúp người dân tiếp cận được các thông tin, dịch vụ Y tế; đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, nâng cao tầm vóc trẻ em tại những vùng khó khăn.

Nguyễn Thu – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *