(kontumtv.vn) – Sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, đến nay, nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng thực hiện hiệu quả. Đa phần các địa phương đều tạo dựng được đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Đáng quý nhất là hiện nay, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống vẫn được người dân bảo tồn, lưu giữ, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày.

Trên Tây Nguyên, đời người dài theo tiếng chiêng. Nhận định này của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh một lần nữa khẳng định, nghệ thuật cồng chiêng gắn bó với chu kỳ đời người, chu kỳ cây trồng và chu kỳ cộng đồng. Như vậy, cốt lõi của giá trị di sản chính là cồng chiêng đặt trong một tổng thể nguyên hợp bao gồm những lễ thức, phong tục, không gian kiến trúc, thiên nhiên bao quanh. Muốn bảo tồn không gian văn hóa đó thì bảo tồn cồng chiêng là việc cần làm trước tiên.

Với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền, người đã gắn bó với cồng chiêng từ những ngày đầu Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” luôn là một phạm trù có tính bao quát. Ở đó, bản thân nghệ thuật hợp tấu cồng chiêng là biểu hiện sống động của tính tập thể. Hiểu nôm na thì mỗi thành viên dàn chiêng chỉ chơi 1 nốt nhạc và họ kết hợp ăn ý với nhau theo trật tự xác lập để tạo ra một bản nhạc đúng nghĩa. Trên cơ sở này, bảo tồn cồng chiêng đồng nghĩa với việc bảo tồn sự đoàn kết, gắn bó keo sơn của một tập thể – một dàn chiêng trải dài theo từng thế hệ. Ông cho biết: “Chúng ta tìm thấy những dấu ấn độc đáo từ thời cổ xưa, tìm thấy những nét đẹp hoành tráng của nghệ thuật âm nhạc. Sự kỳ vĩ đó đã chứng minh nghệ thuật cồng chiêng rõ ràng quá hấp dẫn. Khi nói đến bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên, dưới góc độ âm nhạc dân tộc học, bao giờ người ta cũng đặt trong môi trường diễn xướng và không gian văn hóa. Bởi vì cồng chiêng không phải là bộ nhạc cụ giải trí mà cồng chiêng là thành tố của một tổng thể văn hóa lớn hơn. Cồng chiêng sinh ra luôn gắn liền với nghi lễ của cộng đồng. Vì thế khi giữ gìn văn hóa cồng chiêng thì đồng thời phải bảo tồn toàn bộ không gian văn hóa của nó”.

Theo tư liệu khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến tháng 10/2020, toàn tỉnh còn lưu giữ, bảo tồn trên 2.100 bộ cồng chiêng, tăng gần 220 bộ so với năm 2015. Sau 5 năm thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được hơn 100 lớp truyền dạy diễn tấu và kỹ năng chỉnh chiêng, phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội truyền thống, qua đó, góp phần bảo tồn hiệu quả không gian diễn xướng cho cồng chiêng.

Trong số các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum, Sa Thầy là địa phương hiện còn gìn giữ được nhiều bộ chiêng quý giá, với gần 200 bộ. Trên địa bàn huyện, xã biên giới Mô Rai có nhiều bộ chiêng hơn cả. Đơn cử như ở làng Le, không ít hộ người Rơ Măm sẵn sàng bỏ số tiền lớn từ 100 – 150 triệu đồng để đổi lấy những bộ chiêng quý từ xưa. Người Rơ Măm là một trong 3 dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, dân số tuy ít nhưng hiện nay vẫn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo. Già làng A Blong tự hào nói: “Chiêng là từ xưa rồi, từ thời đại lâu lắm rồi, ông cha xưa là có rồi. Đặc sắc đó là không bỏ được. Truyền thống đó một là mừng lúa mới này, làm ma người chết này, cúng Yàng phải dùng chiêng hết. Có 3 loại gõ. Gõ thứ nhất là đám cưới, thứ 2 là ăn trâu, ăn bò, thứ 3 là chia buồn. Gõ chia buồn là khác gõ cúng lúa, cúng Yàng, đây là gõ mừng. Thần linh nghe được biết là đây có ngày vui, ngày buồn”.

Bên cạnh những kết quả đáng mừng, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian cũng chỉ ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đó là việc không gian văn hóa làng bị phá vỡ do đô thị hóa; lớp người nắm giữ các lễ thức truyền thống ngày càng mai một trong khi thế hệ trẻ còn chưa chủ động đón nhận sự trao truyền; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa chưa được giải quyết một cách hài hòa. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền, để bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, điều quan trọng là lựa chọn được những giải pháp hiệu quả hơn nữa. Mô hình bảo tồn tập trung mà nhiều nước hiện nay đang thực hiện là một gợi mở: “Ví dụ như làng A họ không có điều kiện kinh tế nhưng họ rất tâm huyết với lễ thức cổ truyền mừng lúa mới, thì hàng năm Nhà nước hãy đầu tư để họ duy trì mừng lúa mới. Hãy giúp họ để duy trì lễ thức đó bởi vì không có vật hiến sinh thì chắc chắn không thể thành lễ được. Có những nơi đồng bào đã chuyển đổi rồi, thay đổi tín ngưỡng không còn lễ bỏ mả nữa thì sẽ không tập trung đầu tư vào đó. Những nơi nào còn giữ được tín ngưỡng bản địa thì Nhà nước sẽ đầu tư bảo tồn trong khu vực đó, đấy gọi là bảo tồn tập trung, sẽ hiệu quả hơn”.

Tại Hội nghị – Hội thảo về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên do Cục Di sản Văn hóa tổ chức ở thành phố Kon Tum, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và đại diện ngành Văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo tồn văn hóa giai đoạn hiện nay. Các chuyên gia cho rằng cần phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng, hàng quý cho nghệ nhân, những người có công đóng góp vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Qua đó, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực để các địa phương thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển, nâng cao đời sống bà con nhân dân.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *