(kontumtv.vn) – Làng Kon Brắp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có trên 90% dân số là người Ba Na nhánh Jơ Lâng sinh sống. Hàng năm, cứ vào những ngày đầu tháng mười dương lịch, khi cây lúa chuẩn bị trổ bông cũng là lúc người dân làng Kon Brắp Ju tất bật chuẩn bị cho lễ hội Et Đông hay còn gọi là Tết ăn Dúi – lễ hội lớn nhất trong năm của bà con nơi đây.

Theo quan niệm của người Ba Na nhánh Jơ Lâng, dúi là một con vật hiền lành không phá hoại mùa màng của người dân. Dúi thường ăn rễ tre, rễ cỏ… Người Ba Na nhánh Jơ Lâng xem dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói. Tết ăn Dúi là lễ hội cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc, là ngày hội đoàn viên, người làng đi làm ăn xa, những người con đi lập gia đình ở làng khác đều trở về. Đặc biệt, chỉ sau Tết ăn Dúi, người dân trong làng mới triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu… Chị Y Van chia sẻ: “Lễ Et Đông là để bà con giao lưu nền văn hóa của thôn làng. Đối với Lễ Et Đông này nó thể hiện sự đoàn kết của bà con. Bà con được giao lưu, trao đổi học hỏi các kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong cuộc sống. Bà con cũng cầu mong cho nhau qua một năm vất vả lao động thì mùa màng được bội thu, gọi là mỗi năm càng ngày càng phát triển.”

Lễ hội Et Đông được người dân làng Kon Brắp Ju tổ chức vào những ngày đầu tháng mười dương lịch hàng năm. Theo già làng A Jin Đen, thông qua lễ hội, người Ba Na muốn giáo dục cho con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên, ông bà, đoàn kết, yêu thương nhau và chăm chỉ làm ăn để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Già làng A Jin Đen

Ngày 31/5/2021, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã công bố quyết định công nhận 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Lễ Ét Đông – Tết ăn Dúi của người Ba Na nhánh Jơ Lâng. Đây là niềm vui, là niềm tự hào của bà con nơi đây. Ông Phạm Viết Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: “Lễ hội Et Đông là biểu tượng của văn hóa nét đẹp truyền thống của bà con nơi đây. Nó là sự đoàn kết gắn bó giữa người dân trong làng. Đó là sự biết ơn đối với tổ tiên ông bà của bà con Ba Na, giáo dục truyền thống đối với con cháu phải giữ gìn văn hóa truyền thống, văn hóa của ông bà xưa để lại. Riêng với các lễ hội nó là một phần quan trọng cấu thành nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà đang được bà con nơi đây chân trọng và phát huy từ ngàn xưa tới nay.”

Là lễ hội lớn nhất trong năm, mang giá trị truyền thống nhân văn và tâm linh sâu sắc, lễ hội Et Đông tại làng Kon Brắp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày nay. Nó như sợi dây đoàn kết, biểu tượng của sự gắn bó, sẻ chia giữa các gia đình trong cộng đồng làng với nhau./.

CTV Lâm Hiền Hữu Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *