(kontumtv.vn) – Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc của Đảng, Nhà nước, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động cùng nhiều chế độ khác nhau. Cũng chính nhờ đóng BHXH mà nhiều người khi về già đã có cuộc sống ổn định từ tiền lương hưu hằng tháng, không phải phụ thuộc vào con cháu.

Ông A Thiêng 106 tuổi, dân tộc H’Rê ở thôn Vi Klâng, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông là một điển hình về người già hạnh phúc khi có lương hưu. Trong khi nhiều người già ở đây vẫn phải vất vả làm ruộng, làm rẫy để lo cho cuộc sống thì suốt từ năm 1977 đến nay, ông A Thiêng vẫn nhận lương hưu hằng tháng để chi phí cho cuộc sống hằng ngày. Hiện tại, mỗi tháng ông được BHXH chi trả mức lương 4,4 triệu đồng. Không chỉ dư giả chi phí cho bản thân, mà khoản lương hưu còn giúp cho con gái và các cháu của ông có cuộc sống ổn định, các cháu đều được học hành. Ngoài ra, ông còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế nên khi đau ốm gia đình cũng không phải lo lắng. Ông A Thiêng nói: “Tôi già rồi nên sử dụng một ít lương hưu đủ cho sinh hoạt hằng ngày thôi. Còn lại tôi phụ giúp thêm cho con của tôi để nuôi các cháu ăn học và cuộc sống đỡ vất vả hơn. Bởi vì con của tôi chỉ làm nương rẫy, thu nhập không được nhiều, nếu như không có khoản tiền lương hưu của tôi thì cuộc sống của con và các cháu sẽ khó khăn lắm. Cũng cảm ơn chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho cán bộ hưu trí”.

Tham gia đóng BHXH khá muộn, nhưng ông Bùi Minh Nhật ở tổ dân phố 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum vẫn được nhận lương hưu nhờ việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đây, ông Nhật làm nghề tự do, đến năm 45 tuổi ông mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Năm 2020, ông đủ 60 tuổi và do sức khỏe yếu, hay ốm đau nên ông xin nghỉ làm bảo vệ. Khi nghỉ việc, thời gian đóng BHXH của ông mới chỉ được hơn 15 năm. Trong khi một số người lựa chọn rút BHXH một lần, nhưng ông quyết định đóng thêm gần 5 năm BHXH tự nguyện để nhận lương hưu. Bởi theo ông như vậy sẽ có cuộc sống ổn định hơn khi về già. Ông Bùi Minh Nhật cho biết: “Nói chung tiền lương hưu hai vợ chồng cũng tạm đủ sống, các con không phải lo đến cuộc sống của bố mẹ. Hưu trí mình được quyền lợi là bảo hiểm y tế chỉ đóng 5%, đó là một điều ưu tiên cho người hưu trí, rất là mừng. Thứ hai nữa là khoản tiền hưu tuy không cao nhưng hằng tháng mình nhận khoản tiền đó để chi trả phần nào trong cuộc sống, mình thấy cũng vui vẻ”.

Ông A Thiêng, ông Bùi Minh Nhật là 2 trong số hơn 10.130 người đang được nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng trên địa bàn tỉnh Kon Tum có cuộc sống ổn định khi về già, không trở thành gánh nặng cho con cháu.

Những năm qua, chính sách BHXH của nước ta không ngừng được hoàn thiện, tạo ra nhiều cơ hội cho người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng. Ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, những người lao động tự do cũng được tham gia BHXH tự nguyện hay những người tham gia chưa đủ thời gian cũng được đóng tiếp để được hưởng lương hưu. Đây là chính sách vô cùng nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, Nghị quyết số 28, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách BHXH được ban hành đã mở rộng cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHXH được hưởng lương hưu, bao gồm cả BHYT khi về già. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 47.250 người tham gia BHXH, trong đó có hơn 39.220 người tham gia BHXH bắt buộc và gần 8.030 người tham gia BHXH tự nguyện. So với số lượng lao động tự do, nông dân trên địa bàn tỉnh, lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Vì vậy, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình để mỗi người dân hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện là tạo cho mọi người cơ hội được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động. Ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon  Tum cho biết: “Cơ quan BHXH thì ngoài tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phải chủ động trong việc phối hợp với các ngành, cấp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đối tượng tham gia. Đặc biệt, công tác tuyên truyền thì tùy theo tình hình có sự đổi mới cho phù hợp đối với từng nhóm đối tượng, phối hợp với các cơ quan như Bưu điện, tổ dân phố để đến trực tiếp các hộ gia đình tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”.

Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH tỉnh, tin rằng, chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện sẽ được người dân quan tâm hơn nữa, hướng đến mục tiêu mỗi người lao động, mỗi người dân đều được tham gia BHXH để có cơ hội hưởng lương hưu khi về già theo tinh thần Nghị quyết số 28, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *