(kontumtv.vn) – “Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội, nhưng có thể quy định mức phạt tù cao hơn mức hiện hành”.

Chính sách hinh sự của Nhà nước đối với việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo đó, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì khung được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Tuy nhiên, với tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, nhiều người lo ngại chính sách hình sự như vậy đã hợp lý?

Thạc sĩ Trần Đức Thìn – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này.

co nen tang muc phat tu doi voi toi pham chua thanh nien? hinh 0
Th.s Trần Đức Thìn.

PV: Trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện, tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. Liệu chính sách hình sự đối với tội phạm chưa thành niên có cần thay đổi cho phù hợp, thưa ông?

Th.s Trần Đức Thìn: Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta trong những năm gần đây đã có những sự thay đổi nhanh chóng. Trong các thay đổi đó, có cả các chuyển biến tích cực và có cả những chuyển biến tiêu cực. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và đương nhiên trong đó có sự thay đổi của chính sách hình sự. Sự thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên mà một phần của nó đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự 2015).

Tình hình tội phạm chưa thành niên gia tăng trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau. Muốn ngăn chặn, tiến tới loại bỏ tội phạm do người chưa thành niên phạm tội phải loại bỏ nguyên nhân gây ra nó. Do vậy, thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là điều cần thiết nhưng chưa đủ để loại bỏ tình hình tội phạm của người chưa thành niên. Thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ là cái ngọn, cái gốc của vấn đề là giáo dục người chưa thành niên.

PV: Trước tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhiều người đề xuất nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội xuống 12 tuổi. Ông có đồng ý với ý kiến này?

Th.s Trần Đức Thìn: Về nguyên tắc, một người phải chịu trách nhiệm hình sự khi người đó thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà trong Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm cụ thể và họ có lỗi khi thực hiện hành vi đó.

Để xác định họ có lỗi thì phải dựa vào khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ thực hiện và khả năng điều khiển hành vi của họ. Khả năng nhận thức sự nguy hiểm của hành vi là khả năng về lý trí của con người. Đây là khả năng vốn có của con người, tuy nhiên không phải là từ khi sinh ra người ta đã có đầy đủ khả năng này mà nó phải trải qua một quá trình giáo dục, tự giáo dục mới hoàn chỉnh được. Khả năng điều khiển hành vi là khả năng về ý chí. Khả năng thể hiện ở chỗ con người có thể lựa chọn và quyết định xử sự của mình.

Trong xã hội hiện nay, với các điều kiện về vật chất, giáo dục, truyền thông… đều phát triển nó có thể tạo cho con người khả năng nhận thức tốt hơn nhưng chưa thể nói là toàn diện và đầy đủ. Ví dụ: Đứa trẻ 12 tuổi có thể sử dụng khá tốt máy vi tính để truy cập, tìm kiếm thông tin cần thiết… nhưng đó là sự thông minh trong thế giới ảo. Ở thế giới thực, chúng là kẻ ngu ngơ. Mặt khác, một đứa trẻ mới học lớp 6 liệu có thể tự quyết định xử sự của mình được không? Chắc chắn là không thể vì nhận thức còn chưa đủ đầy thì làm sao mà tự quyết định xử sự được.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn từ khía cạnh xã hội mà nói là cần hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có vẻ như nó hợp logic nhưng không đáp ứng được nguyên tắc nhân đạo – một trong những nguyên tắc chủ đạo của luật pháp hình sự và cũng không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Từ những phân tích như vậy, tôi không đồng ý với quan điểm này.

PV: Có ý kiến cho rằng chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là chính sách nhân đạo, nhưng cũng nên có hướng mở dành cho trường hợp phạm tội nghiêm trọng (như trường hợp Lê Văn Luyện) để đảm bảo sức răn đe. Ý kiến của ông về vấn đề trên?

co nen tang muc phat tu doi voi toi pham chua thanh nien? hinh 1
Lê Văn Luyện bị tuyên phạt 18 năm tù.

Th.s Trần Đức Thìn: Vụ án Lê Văn Luyện là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng vì Lê Văn Luyện phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, nên hình phạt đối với Luyện chỉ là 18 năm tù và đó là mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Rất nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi quy định này. Tuy nhiên, vấn đề nhân đạo vẫn phải đặt lên hành đầu. Luật pháp hình sự rất nhiều nước trên thế giới cũng quy định là không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội.

Quan điểm của tôi là không nên quy định “mở” vì mở sẽ dẫn đến sự tùy tiện. Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội, nhưng có thể quy định mức phạt tù cao hơn mức quy định hiện hành.

Bộ luật Hình sự Thái Lan hiện hành quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội, nhưng khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tòa án có thể quyết định hình phạt tù có thời hạn đến 50 năm. Đó là quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự của họ chứ không phải là “để ngỏ”.

PV: Theo ông Bộ luật Hình sự lần này cần thiết kế như thế nào cho phù hợp để vừa đảm bảo tính nhân đạo, không bỏ lọt tội phạm lại đủ sức răn đe?

Th.s Trần Đức Thìn: Về hình thức, chương XII của Bộ luật Hình sự 2015 thiết kế như vậy là phù hợp. Cần phải nói thêm rằng việc xây dựng Bộ luật Hình sự 2015 có sự đóng góp không nhỏ của các chuyên gia pháp luật hình sự trường Đại học Luật Hà Nội.

Tôi đồng ý với thiết kế như vậy đối với chương XII. Tuy nhiên điều mà nhiều người băn khoăn là hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành để áp dụng với người chưa thành niên phạm tội chưa đủ mạnh để răn đe người chưa thành niên khác. Răn đe cũng là một giải pháp, nhưng không phải là giải pháp triệt để, mà giải pháp triệt để phải là giáo dục người chưa thành niên để họ không phạm tội mới là tối ưu.

Từ vụ án Lê Văn Luyện phạm 2 tội “giết người” và “cướp tài sản” cho thấy hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là chưa thỏa đáng cho dù 18 năm tù là mức phạt cao nhất. Bằng chứng là có nhiều ý kiến không đồng tình với mức phạt như vậy.

Theo tôi, Bộ luật Hình sự 2015 nên có quy định cụ thể: (i) Xử phạt nghiêm khắc đối với người chưa thành niên phạm các tội “giết người”, “cướp tài sản”, “hiếp dâm”, “hiếp dâm trẻ em”. Vấn đề này có thể đưa vào quy định của Điều 89 Bộ luật Hình sự 2015, (ii) Nếu người chưa thành niên phạm nhiều tội mà trong số các tội đã phạm có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt tổng hợp áp dụng đối với họ có thể đến 25 năm tù. Vấn đề này có thể đưa vào quy định của Điều 103 Bộ luật Hình sự 2015./.

Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *