(kontumtv.vn) – Tình trạng thiếu giáo viên do chuyển công tác, do bỏ việc và do nhiều nguyên nhân khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và tác động đến tâm lý học tập của học sinh. Đây là thực trạng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum thiếu hơn 1.100 giáo viên. Trong đó, thiếu hơn 640 giáo viên mầm non, 332 giáo viên tiểu học và gần 160 giáo viên trung học cơ sở. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Kon Tum được bổ sung 391 giáo viên gồm 242 giáo viên mầm non, 128 giáo viên tiểu học và 21 giáo viên trung học cơ sở. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn thiếu hơn 700 giáo viên. Một trong những địa bàn nóng về thiếu giáo viên là huyện Tu Mơ Rông. Ông An Văn Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT Huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Năm học 2021-2022 Phòng GD&ĐT thiếu 72 biên chế giáo viên. Phòng tham mưu cho UBND huyện tuyển dụng số 72 này. Tuy nhiên trong kỳ nghỉ hè tiếp tục có những giáo viên xin luân chuyển công tác về những huyện, thành phố Kon Tum cho nên lại tiếp tục thiếu 42 giáo viên, đặc biệt là thiếu giáo viên tiếng anh và tin học.”
Tại huyện Kon Plông, năm học 2022-2023 xã đạt chuẩn nông thôn mới Pờ Ê thiếu hơn 20 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, từ khi xã Pờ Ê đạt chuẩn nông thôn mới thì số lượng giáo viên nghỉ, chuyển công tác rất cao. Giải quyết tình trạng này xã đã nỗ lực vận động giáo viên bám trường, bám lớp, tạo điều kiện về nơi ở cho giáo viên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Bởi vì khi công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn thì giáo viên sẽ được đãi ngộ 70% phụ cấp khu vực và 70% phụ cấp đứng lớp ngoài lương. Tuy nhiên, khi những địa phương thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn hay đạt chuẩn nông thôn mới thì chế độ đãi ngộ sẽ bị cắt giảm. Dẫn đến lương của giáo viên giảm theo.
Đối với giáo viên hợp đồng, theo quy định không được hưởng phụ cấp đứng lớp và cũng không được hưởng phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn. Vì vậy, thu nhập của giáo viên hợp đồng thấp hơn giáo viên biên chế từ 2-3 triệu đồng ở vùng thuận lợi và thấp hơn rất nhiều ở vùng đặc biệt khó khăn. Như trường hợp của cô giáo Trần Thị Mỹ Lệ (giáo viên điểm lớp Vi Cà Tàu, trường Mầm non xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) dạy lớp bán trú, phải trông trẻ sáng đến chiều nhưng thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Mỗi khi tranh thủ thời gian để nấu cơm trưa, cô giáo Mỹ Lệ phải gửi lớp cho Hiệu trưởng trông coi. Theo cô giáo Lệ chia sẻ đến giờ cô vẫn gắn bó với công việc này vì yêu trẻ, yêu nghề.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, dù thế nào thì việc thiếu giáo viên và việc đội ngũ giáo viên liên tục thay đổi ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng học tập của học sinh. Em Y Trinh, học sinh Trường THCS xã Pờ Ê buồn bã chia sẻ: “Em rất buồn vì năm nào cũng có thầy cô bỏ chúng em đi. Em mong các thầy cô ở lại để gắn bó với chúng em nhiều hơn. Chúng em hứa là sẽ cố gắng học giỏi.” Nói về chất lượng dạy và học, thầy giáo Nguyễn Thanh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS xã Pờ Ê, huyện Kon Plông cho biết: “Về chất lượng có ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vì hàng năm đội ngũ giáo viên được đi tập huấn, tham gia tập huấn để thực hiện chương trình giảng dạy GDPT mới thì đã có nền tảng và kinh nghiệm. Giờ chúng ta hợp đồng những giáo viên mới vào không có kinh nghiệm bằng giáo viên cũ và tính liên hoàn, liên tục mất đi. Những giáo viên này không chỉ thiếu kinh nghiệm mà môi trường cũng còn mới, bỡ ngỡ.”
Năm học 2022-2023 là năm thứ ba thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 2018. Đây là thời điểm ngành ngành giáo dục vào đào tạo rất cần sự ổn định của đội ngũ giáo viên và cần những giáo viên có kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ năm học. Việc thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các địa phương vùng sâu, vùng xa nói riêng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Nếu tình trạng này không được quan tâm giải quyết căn cơ thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng dạy và học.
Văn Hiển