(kontumtv.vn) – Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, hiện nay số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh thủy đậu, quai bị đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều trường hợp phải nhập viện để theo dõi và điều trị.

Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiếp nhận điều trị nội trú 01 bệnh nhân mắc bệnh quai bị. Đó là một trẻ em nam 07 tuổi ở TDP 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Bé có các triệu chứng sốt, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, tụt huyết áp. Chị Trần Thị Ngọc Diễm, mẹ của bệnh nhân cho biết, trước đó một ngày bé bị sốt nhẹ. Nhưng sau đó trở nên sốt cao và có dấu hiệu nặng hơn. Gia đình ngay lập tức đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh quai bị, biến chứng viêm tụy cấp. Sau vài ngày theo dõi và điều trị, sức khỏe dần ổn định. Chị Diễm nói: “Bé sốt ở nhà được 01 ngày thì tôi cho đi khám. Bác sĩ nói rằng là bị quai bị, xong rồi có xét nghiệm viêm tụy là có tăng nên cho nhập viện. Sau điều trị 3 – 4 ngày thì xét nghiệm lại thì có giảm đi một nửa. Bây giờ hiện tại thì bác sĩ cho ăn cháo trắng, khuyến cáo người nhà là chăm sóc bé, với lại theo dõi không cho cháu ăn đạm nhiều.”

BS CKI Hồ Thị Thanh Diệu, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Y học Nhiệt đới tiếp nhận khám và điều trị cho gần 190 trường hợp mắc các bệnh quai bị, thủy đậu; tăng gấp 02 lần so với năm 2023 và có 08 trường hợp bác sĩ chỉ định phải nhập viện điều trị theo quy định. Các đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em. BS CKI Hồ Thị Thanh Diệu cho biết: “Quai bị, thủy đậu là do siêu vi trùng gây ra, thì nó sẽ có dạng tính chất là lây lan thành dịch; liên quan đến lứa tuổi học đường vào đầu năm học mới hoặc là sau Tết các bé đi học lại, thì mức độ lây lan nó sẽ có. Thì nó lây qua đường hô hấp, ho, hắt hơi; với thủy đậu có thể là tiếp xúc bóng nước của thủy đậu, nó sẽ làm cho lây lan. Đối với vi rút quai bị thì nó sẽ lây lan là trước khi phát bệnh 06 ngày, trong quá trình phát bệnh thì sẽ 09 ngày.”

BS CKI Hồ Thị Thanh Diệu, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm, bệnh quai bị, thủy đậu đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Quai bị, thủy đậu là bệnh lành tính nên nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan trong việc chủ động phòng, chống. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, tạo ra miễn dịch mạnh hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các trẻ từ 1 tuổi trở lên, cha mẹ nên cho đi tiêm mũi 1 vắc xin thủy đậu và tiêm nhắc lại mũi 2 sau 03 tháng. Đồng thời, tiêm vắc xin Sởi – quai bị – Rubella mũi 1 khi bé 12 – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 khi bé 4 – 6 tuổi. BS CKI Hồ Thị Thanh Diệu, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Tiêm vắc xin là cái hiệu quả nhất. Ngoài ra cũng có thể dự phòng không đặc hiệu, tránh lây lan khi bé mình mắc bệnh. Thì mình sẽ cách ly các bé, không cho các bé đi học, ở nhà trong thời kỳ bé đang bệnh; tích cực cho bé uống nhiều nước, ăn uống đa dạng, dễ ăn dễ tiêu hóa và bổ sung cho các bé các loại vitamin như C, kẽm; và có một số bé thiếu sắt thì có thể dự phòng thêm thuốc sắt để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho các bé.”

Thủy đậu, quai bị là những bệnh thường gặp và bệnh nhân có thể lành bệnh sau vài ngày điều trị tích cực. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp, nặng nhất là viêm não, viêm màng não có thể gây tử vong. Riêng biến chứng bệnh quai bị có thể dẫn đến viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm tụy cấp, sẩy thai… ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và thế hệ kế tiếp. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, người dân cần nhanh chóng đi khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm hạn chế sự lây lan và bùng phát thành dịch đối với các căn bệnh truyền nhiễm này./.

Hơ Jan – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *