(kontumtv.vn) – Như Đài PT-TH tỉnh Kon Tum đã đưa tin, vào khoảng 18 giờ ngày 22/3, trên địa bàn xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh lớp 5 tử vong. Cả 3 em đều học chung lớp tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, trong đó, 1 em nhà ở thôn 5, 2 em còn lại nhà ở thôn Plei Dơng, xã Hòa Bình. Vụ việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước ở trẻ em vẫn luôn thường trực.

Ông Đinh Công Hoàng, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 5, xã Hòa Bình vẫn không khỏi bàng hoàng, đau xót khi vụ đuối nước xảy ra. Là một trong những nhân chứng có mặt tại thời điểm tìm thấy thi thể của 3 em học sinh trong vụ đuối nước, ông Hoàng cho biết, nơi xảy ra vụ việc là một hố nước dưới chân kênh xả lũ của công trình thủy lợi Ia Băng được người dân địa phương sử dụng để bơm nước tưới cho cây cà phê. Nơi này cách xa khu dân cư, không nhiều người qua lại và trẻ con hiếm khi đến đây chơi. Có lẽ vì vậy mà công tác tìm kiếm các nạn nhân ban đầu gặp nhiều khó khăn. Ông Đinh Công Hoàng nói: “Chạy lung tung hết. Đến khi nhận được thông tin mấy đứa nhỏ chơi ở lô cao su này mới tá hỏa ra, té ra xuống đây chơi. Thực tình khi vào tới đây mới thấy quần áo, xe đạp ở lô cao su đây mới huy động anh em chạy xuống lặn mò, chỉ có mò thôi vì nước qua đầu gối. Mò hụp xuống cái hố là một lần đụng 3 đứa nhỏ luôn, vớt lên hết một lúc. Hôm qua nói thiệt tôi rất nghẹn ngào, không nói thành lời luôn”.

Được biết, vị trí 3 em nhỏ bị đuối nước chỉ cách một nhóm công nhân đang thi công kênh xả lũ công trình thủy lợi Ia Băng khoảng gần 100 m, nhưng do tập trung làm việc nên nhóm công nhân này đã không phát hiện được mối nguy hiểm đang đến với các em để cảnh báo, ngăn chặn một sự việc đau lòng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Đối với trường hợp 3 em đuối nước này thì hoàn cảnh gia đình nói chung rất khó khăn. Cha mẹ đa số làm nông nghiệp hết. Hàng ngày ba mẹ đi làm hết cho nên cũng không có thời gian mà kiểm soát được con. Đến khi chiều về không thấy con mới đi tìm, huy động tất cả bà con làng xóm đi tìm, cuối cùng mới phát hiện các cháu tắm ở đó rồi mới bị đuối nước ở đó”.

Tại hiện trường nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm của 3 em học sinh, mực nước rất nông và không nhiều, tuy nhiên khi trượt chân ngã thì nguy hiểm cũng có thể xảy ra. Thực tế cho thấy, những vụ đuối nước ở trẻ em thường diễn ra ở các em có độ tuổi nhỏ. Và vì nhỏ nên các em khó xử lý tình huống khi mà có bất trắc xảy ra. Điều này làm dấy lên lo ngại cũng như cảnh báo về công tác phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói: “Vụ việc đã xảy ra như vậy thì trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tham mưu với Đảng ủy chỉ đạo, phối hợp với Mặt trận, các hội đoàn thể tiếp tục đi rà soát tất cả các điểm ao hồ, các vùng trũng mới xuất hiện để rào chắn, ngăn cấm, đồng thời cũng sẽ tuyên truyền cho người dân nắm bắt điều này và cũng triển khai từ trong nhà trường chỉ đạo kịp thời đối với học sinh để ngăn chặn bớt việc đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn”.

Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có gần 180 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất với 75 trường hợp, tai nạn giao thông là hơn 60 trường hợp. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, số tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng và số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tương đối nhiều. Con số này có lẽ sẽ không dừng lại ở đó khi cuộc sống hàng ngày vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn ở trẻ em. Vụ việc 3 học sinh đuối nước thương tâm ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum chính là lời cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc về công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *