(kontumtv.vn) – Sinh sống và học tập xa quê hương, các em lưu học sinh Lào tại Kon Tum đã nhận được nhiều tình cảm và sự giúp đỡ của tỉnh Kon Tum cũng như tại trường học và sinh viên Việt Nam. Tình cảm này không chỉ giúp các em vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, hoàn thành tốt việc học tập mà còn góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghĩ truyền thống giữa 2 nước Việt Nam – Lào.

Đây đã là năm thứ 3 PhoutLamPhon và PathoumVanh sinh sống và học tập tại Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay, các em đã thành thạo tiếng Việt, quen thuộc hơn với lối sống ở Việt Nam. Từ đó, việc học tập của các em cũng diễn ra thuận lợi hơn. Em PhoutLamPhon chia sẻ: “Khi tôi qua đây học tôi rất khó khăn vì khả năng nói tiếng Việt rất yếu, nhưng khi qua học năm thứ nhất thì mình đã có sự giúp đỡ từ các bạn Việt Nam, ví dụ các bạn dạy mình cách học, ôn tập để làm sao học tốt, hiệu quả, có thời gian các bạn Việt Nam rủ em đi học tiếng Việt thêm nữa.”

Ngày 2/12 là ngày quốc Khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhà trường đã tổ chức buổi họp mặt chào mừng ngày quốc khánh cho các lưu học sinh. Đón một cái Tết độc lập xa quê, không được ở bên gia đình, nhưng nỗi nhớ nhà phần nào được vơi đi trước tình cảm, sự chu đáo của nhà trường cũng như các bạn sinh viên Việt Nam.

Việc ăn ở, sinh hoạt của các lưu học sinh Lào đều diễn ra tại kí túc xá của nhà trường. Kí túc xá gồm cả sinh viên Lào và Việt Nam. Ngoài những giờ lên lớp, những buổi giao lưu học tập, văn nghệ, thể dục thể thao cũng là cách để thắt chặt tình đoàn kết  giữa sinh viên 2 nước. Em SyhaPanYaPaĐith cho hay: “Được sự giúp đỡ từ các bạn Việt Nam nhiều, đặc biệt là trong việc học tập, em không hiểu chỗ naò thì em trực tiếp hỏi các bạn học cùng lớp, các bạn giúp đỡ em. Bọn em có sân bóng chuyền ở đây, em hay cùng các bạn Việt Nam đánh bóng chuyền thân thiện với nhau, nhiều bạn nói chuyện với nhau.”

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum hiện có 163 lưu học sinh đang học tập. Khó khăn lớn nhất của lưu học sinh Lào khi học tập tại Việt Nam là rào cản ngôn ngữ. Do đó, nhà trường đã quan tâm trau dồi vốn tiếng Việt cho các em bằng các hình thức như 1 sinh viên Việt Nam kèm 1 sinh viên Lào, thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ tiếng Việt cho các lưu học sinh. Cùng với đó, các thầy cô giáo còn tiến hành các hoạt động phụ đạo, giảng dạy những môn chuyên  sâu, chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em trong quá trình học tập tại trường. Bà Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã tiến hành thực hiện nhiều hoạt động văn hóa thể dục thể thao nhằm gắn kết sinh viên Việt với sinh viên Lào, từ đó giúp các em có nhiều kiến thức kĩ năng hơn trong qua trình các em học tại trường. Ngoài những hoạt động này ra thì nhà trường cũng rất quan tâm tới  các hoạt động phát triển tinh thần cho các em, tăng cường cả về tư tưởng chính trị và giao lưu văn hóa giữa sinh viên Việt và sinh viên Lào.”

Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, hơn 1 năm nay, các lưu học sinh Lào tại Kon Tum chưa thể trở về quê nhà. Những hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, động viên các em từ học tập, sinh hoạt cho đến những ngày Tết truyền thống của Lào đã góp phần giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Từ đó, gắn kết tình cảm của các em với đất nước Việt Nam, tô thắm thêm tình cảm hữu nghị bền vững giữa 2 nước./.

Chung Loan – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *