Những vụ thanh niên không đội mũ bảo hiểm, lao xe tốc độ cao ra đường không còn là chuyện hiếm. Nhiều trường hợp, khi gặp CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, họ liều lĩnh lao xe vào cảnh sát. Đã có trường hợp cảnh sát tử vong, có trường hợp bị thương, chưa kể, người đi đường cũng có thể bị thương vong vì hành vi của họ.
Hình ảnh chụp từ clip cho thấy chiến sĩ CSGT bị hất tung lên (Ảnh: An ninh Hải Phòng) |
Mới đây nhất, ngày 9/7, vụ việc này đã xảy ra với một chiến sĩ CSGT thuộc Công an huyện An Lão, Hải Phòng, khiến chiến sĩ này bị hất tung lên cao rồi ngã xuống đường bất tỉnh, còn thanh niên đi xe máy cũng bị thương tích.
Có quan điểm cho rằng, những hành vi như thế phải bị coi là giết người chứ không chỉ là chống người thi hành công vụ dù hậu quả người CSGTcó thể bị chết hoặc không; dù hành vi đó có tính bộc phát, không tính toán, chuẩn bị trước như các vụ giết người có chủ ý.
Chưa kể, về chủ quan, người điều khiển xe biết rõ đâm xe vào cảnh sát có thể gây chết người, nhưng vẫn cố ý lao vào, trong khi có thể tránh, như vậy có thể coi là cố ý thực hiện tội phạm, bất chấp hậu quả nguy hiểm.
Đại tá Lê Ngọc Châu – Giám đốc CATP động viên, thăm hỏi sức khỏe Thượng úy Nguyễn Trọng Quý (Ảnh: An ninh Hải Phòng) |
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Ngọc (Văn phòng luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự) thừa nhận, việc nam thanh niên lái xe máy tốc độ cao, đâm trực diện vào chiến sĩ cảnh sát giao thông là một hành vi rất nguy hiểm, nhưng để xét xử thanh niên này theo một tội danh nào đó cần phải xem xét đầy đủ các yếu tố để có thể kết luận.
Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông, hành vi của nam thanh niên chạy xe máy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm là hành vi vi phạm giao thông, sẽ bị xử lý hành chính với mức xử phạt tùy từng mức độ.
Theo thông tin trên báo chí, thanh niên này đang lưu thông trên đường nhưng khi gặp hiệu lệnh dừng xe của chiến sĩ cảnh sát, nam thanh niên này không những không giảm tốc độ, dừng xe lại mà còn có hành vi tông trực diện, khiến chiến sĩ cảnh sát bị hất văng lên, ngã xuống đường bất tỉnh, trong khi nam thanh niên này cũng có dấu hiệu bỏ trốn, không đưa người bị tai nạn đi cấp cứu.
Hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm và các yếu tố ngoại cảnh khác. Ví như xe của thanh niên này bị hỏng chân phanh, không thể phanh lại đúng lúc, vào khúc cua không đủ tầm nhìn phía trước nên không thể xử lý kịp nếu có vấn đề gì bất chợt xảy ra; Hoặc chiến sĩ công an bất ngờ ra hiệu lệnh dừng xe khiến cậu thanh niên không xử lý kịp, khi đang đi với một tốc độ rất cao…
Về mặt khách quan, hành vi chạy xe máy tốc độ cao hoàn toàn có thể gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể gây tai nạn cho người đi đường và chính người chạy xe đó. Hậu quả trong trường hợp này là thiệt hại về mặt thân thể cho cả chiến sĩ CSGT lẫn người thanh niên.
Về mặt chủ quan, cần xem xét đây là lỗi cố ý hay lỗi vô ý phạm tội. Trường hợp nam thanh niên đi xe máy, thấy chiến sĩ công an ra hiệu lệnh dừng xe, biết mình vi phạm nhưng vẫn quyết phóng nhanh đâm chiến sĩ công an để bỏ chạy, mặc dù biết rằng hành vi này rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể tai nạn nguy hiểm chết người. Như vậy, đó hoàn toàn là lỗi cố ý gián tiếp vì nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra
Xét trong trường hợp nam thanh niên biết rằng, việc mình phóng nhanh vượt ẩu có thể gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia giao thông nhưng lại nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể xử lý được. Thế nhưng việc chiến sĩ cảnh sát bất chợt ra đường và ra hiệu lệnh dừng xe khiến cho nam thanh niên không thể kịp xử lý dẫn đến việc đâm trực diện vào chiến sĩ CSGT. Khi đó, một phần do người cảnh sát đã đứng ở nơi khuất tầm nhìn, thực hiện hiệu lệnh dừng xe một cách bất ngờ dẫn đến việc nam thanh niên gây tai nạn. Có thể coi đây là lỗi vô ý do quá tự tin, vì người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng, hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Luật sư Hoàng Ngọc |
Cũng theo luật sư Hoàng Ngọc, về mặt khách thể, hành vi của nam thanh niên đã gây gây nguy hiểm đến tính mạng của chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Về mặt chủ thể, hiện chưa xác định được nam thanh niên này đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự không.
Trong trường hợp nam thanh niên chưa đủ 16 tuổi nhưng đã đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo các tội danh được quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Còn trường hợp đã đủ 16 tuổi thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội danh.
Từ những yếu tố cấu thành tội phạm trên, theo luật sư, nam thanh niên trong vụ việc ở An Lão (Hải Phòng) hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với mức phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu có tình tiết tăng nặng có thể lên đến 10 năm.
Bên cạnh đó, có thể xem xét thêm cả tội danh “chống người thi hành công vụ” hoặc với tội danh “giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Việc lao thẳng xe vào cảnh sát giao thông, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe cho thấy mức độ nguy hiểm, tính chất côn đồ của nam thanh niên này đã có dấu hiệu của 2 tội danh trên, tuy nhiên vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra mới có thể kết luận một cách chính xác về tội danh thanh niên này sẽ phải chịu.
Luật sư Vũ Ngọc Chi |
Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh), hiện đang còn nhiều luồng quan điểm khác nhau về mặt tội danh đối với hành vi của nam thanh niên trên.
Giả sử thỏa mãn các yếu tố khác thì vấn đề ở đây cần làm rõ yếu tố chủ quan theo quy định pháp luật để tránh làm nghiêm trọng hoá vấn đề và tránh áp dụng không đúng về tội danh với người vi phạm. Nói như thế nghĩa là cần làm rõ mặt chủ quan của người vi phạm khi điều khiển phương tiện tốc độ cao trong lúc phải đối diện với người thực thi pháp luật là gì.
Khi vi phạm giao thông thuần túy gặp lực lượng thực thi thường xuất hiện tâm lý né, tránh hoặc tìm cách thoát thân là do thiếu hiểu biết về pháp luật bởi lẽ chế tài đối với hành vi này là chế tài hành chính.
Trong thực tế, chỉ những người sẵn mang các yếu tố hình sự (vận chuyển ma túy, vừa phạm tội…) mới thường sẵn sàng xâm hại tính mạng, sức khỏe nhằm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật . Người vi phạm này sẽ manh động hơn, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp và không quan tâm đến hậu quả.
Như vậy làm rõ 4 yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt là yếu tố chủ quan thì nhận thấy việc áp dụng tội danh sẽ thỏa mãn yêu cầu đúng và đủ.
Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, nếu làm rõ được yếu tố chủ quan với nhận thức về hành vi của người vi phạm là mong muốn tước đoạt tính mạng thì việc khởi tố, truy tố và xét xử về tội danh giết người là thỏa đáng./.
An Minh/VOV.VN