(kontumtv.vn) – Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh Kon Tum hiện có gần 200 ngàn trẻ em; trong đó, hơn 40 ngàn em thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ trên 20%. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc học tập, thụ hưởng những dịch vụ giáo dục, y tế thiết yếu cũng như khiến các em dễ tham gia lao động sớm. Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đối với nội dung này, phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.

Phóng viên: Đầu tiên xin cảm ơn ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay! Thưa ông, xin ông cho biết thêm về tình hình lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh và thường lao động trẻ em rơi vào những trường hợp như thế nào ạ?

Ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Tổng hợp số liệu chung toàn tỉnh từ các huyện thành phố báo cáo về, hiện tại chưa có trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trẻ em tham gia lao động phụ giúp gia đình. Trẻ em lao động sớm phụ giúp gia đình tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em tham gia lao động, trong đó, tập trung vào 2 nguyên nhân chủ yếu đó là do hộ gia đình đói nghèo, thiếu nhân lực lao động; bố mẹ xao nhãng việc nuôi dạy con cái. Hiện nay, số trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa tỉnh chiếm tỷ lệ còn cao, nên các bậc cha, mẹ thường chấp nhận việc để con mình tham gia lao động hoặc các em do muốn chia sẻ nỗi khó khăn vất vả với cha mẹ nên các em đã tự nguyện tham gia lao động. Đa số trẻ em tham gia lao động  trên địa bàn tỉnh ta là tham gia lao động nông nghiệp là chủ yếu, có sự quản lý của gia đình với các nghề như khai thác mủ cao su, làm cỏ cà phê, mì, kiếm củi,…Ngoài ra còn cố một số trẻ em đi bán vé số, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số đi lượm ve chai trên địa bàn thành phố Kon Tum. Những trẻ em này chưa thể gọi là: Trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Phóng viên: Thưa ông, để đạt được hiệu quả trong công tác truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, như ông nhận thấy, công tác truyền thông này cần được đẩy mạnh triển khai theo những nội dung, hình thức như thế nào?

Ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Về công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thì chúng tôi cũng muốn đa dạng các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông kịp thời, định hướng dư luận xã hội về những vấn đề phát sinh; chú trọng truyền thông phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em bằng các phương pháp và mô hình truyền thông, giáo dục hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các hình thức nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, in ấn xuất bản các sản phẩm truyền thông như banner tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu, bản tin… nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội đối với việc phòng ngừa lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thời gian này và thời gian tới đây, đặc biệt là trong tháng hành động vì trẻ em năm 2022, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng có những giải pháp cụ thể như thế nào nhằm đảm bảo phòng ngừa lao động trẻ em trên địa bàn thưa ông?

Ông Vũ Văn Đam, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trẻ em – Bình đẳng giới – phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Về phía ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng có những đề xuất và giải pháp để triển khai thực hiện. Thứ nhất là Triển khai tực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch số 3387, ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cái thứ 2 là nâng cao năng lực của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; hướng dẫn người sử dụng lao động, đặc biệt người sử dụng lao động tại các làng nghề; khu vực kinh tế phi chính thức về kiến thức, kỹ năng phát hiện và phối hợp với các ban ngành, cơ quan, tổ chức để can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em.

Phóng viên: Một lần nữa xin cảm ơn ông Vũ Văn Đam đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *