(kontumtv.vn) – Thời điểm hiện nay nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trên đàn gia súc rất cao. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đang được các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt.

Gia đình anh A Nhin ở thôn 9, xã Đăk La, huyện Đăk Hà hiện đang nuôi 3 con bò. Những năm trước đây, do chưa nhận thức được việc tiêm phòng nên khi thôn, xã thông báo lịch tiêm gia đình anh chủ quan và nghĩ không cần thiết, vì vậy đàn bò của gia đình anh thường mắc các bệnh như lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Được sự tuyên truyền, vận động của nhân viên thú y xã, 2 năm trở lại đây, gia đình anh Nhin luôn hưởng ứng tiêm phòng đầy đủ, nhờ đó đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt hơn. “Được sự hỗ trợ của Nhà nước về hỗ trợ vắc-xin Tụ huyết trùng và vắc-xin Lở mồm long móng trên đàn bò thì gia đình cũng rất phấn khởi vui mừng hưởng ứng nhiệt tình để tiêm vắc-xin cho đàn bò và bản thân cũng tuyên truyền cho bà con trong thôn là hưởng ứng nhiệt tình tiêm phòng cho đàn bò”, anh A Nhin cho hay.

Để đàn trâu, bò của người dân phát triển tốt, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh đã được các cấp ngành, địa phương triển khai sâu rộng đến từng thôn, làng. Người chăn nuôi đã được nhân viên thú y ở các địa phương hướng dẫn việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, các biện pháp để tái đàn, nhập con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…  Nhờ đó, người dân đã chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như trong việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc.  Chị Y Triên ở thôn 9, xã Đăk La, huyện Đăk Hà bày tỏ: “UBND xã cũng như cán bộ thú y xã đã phối hợp với cán bộ của thôn tuyên truyền đến các hộ gia đình tiêm vắc-xin cho đàn trâu bò và từ đó gia đình chúng tôi cũng ý thức được rằng là việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu bò là rất cần thiết. Việc tiêm phòng vắc-xin giúp cho việc chăn nuôi thuận lợi và phát triển kinh tế”.

Trong năm 2021 các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng 02 đợt với tổng số gần 160.000 liều, đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn trâu, bò; tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò đạt số lượng hơn 66.800 liều. Có được kết quả tích cực này là nhờ công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò đã được các cấp, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Ông Đỗ Học, nhân viên thú y xã Đăk La cho biết, trước mỗi đợt tiêm phòng, xã luôn thông báo thời gian, địa điểm tiêm phòng cho người chăn nuôi thông qua các cuộc họp thôn. Đồng thời phân công người dân làm gióng, giá cố định, kêu gọi lực lượng nhân viên thú y ở các địa phương khác đến hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin theo từng cụm, từng khu vực để tiết kiệm thời gian.  “Thú y xã đã tham mưu cho UBND xã ra thông báo tiêm phòng đàn gia súc trên địa bàn xã. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, xã đã họp quán triệt tình hình cụ thể đến người dân tổ chức công tác tiêm phòng cụ thể là các thôn phải chỉ đạo, hướng dẫn người dân làm gióng từng cụm theo từng cụm, địa bàn cho phù hợp để công tác tiêm phòng được đảm bảo”, ông Học nói.

Anh Hà Thanh Lâm, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết thêm: “Trước các đợt tiêm phòng Chi cục đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tiến hành chuẩn bị nhân lực, các dụng cụ, vật tư để triển khai công tác tiêm phòng; đề phòng trường hợp thiếu sót để bổ sung; nhân viên thú y các xã thì đã được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng tiêm phòng cũng như là việc bảo quản vắc-xin trước và trong quá trình tiêm phòng”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong năm 2021, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra trên 360 con trâu, bò tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, gây chết 11 con; bệnh tụ huyết trùng đã làm 206 con trâu, bò nhiễm bệnh, trong đó có đến 181 con trâu, bò chết. Do đó, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan chức năng trong công tác tiêm phòng vắc-xin, người dân nên thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh, chăm sóc cho đàn vật nuôi, tránh để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế./.

Đăng Huy – Duy Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *