(kontumtv.vn) – Với người DTTS ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, từ xa xưa cả cuộc đời gắn bó với tiếng cồng, tiếng chiêng. Văn hóa cồng chiêng là một kho báu vô cùng quý giá của mỗi cộng đồng làng. Để giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng cho thế hệ hôm nay và mai sau, thành phố Kon Tum tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, cùng sự đam mê của bà con chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống này. 

Sinh ra và lớn lên ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, từ nhỏ ông A Mơng đã rất đam mê cồng chiêng. Mỗi khi trong làng có lễ hội, nhìn thấy mọi người đánh cồng chiêng ông say sưa quan sát, tự đánh theo nhịp. Với sự truyền dạy của ông ngoại, năm 12 tuổi ông đánh thành thạo rất nhiều bài chiêng. Qua thời gian, với sự đam mê cồng chiêng, cùng năng khiếu bẩm sinh, ông A Mơng hiểu và lấy nốt chuẩn, biết xướng âm các bài chiêng. Ngoài ra, ông còn phân biệt được cồng chiêng bị lệch âm và biết cách điều chỉnh. Ông A Mơng chia sẻ:“Chỉnh chiêng thì mình đã rành lắm rồi, phải biết xướng âm các bài, những bài dân ca thì phải biết hết, xướng âm chuẩn thì mới chỉnh chiêng chuẩn. Quan trọng nhất là mấy cái cồng có núm, mình không biết chỉnh thì người ta đánh ngay cái núm là hư ngay bộ cồng chiêng.”

Với em Y Toanh ở làng Kon Hra Chót, từ khi còn rất nhỏ đã được bà và mẹ dạy cho biết múa xoang. Em rất vui mừng và tự hào là thành viên đội múa xoang thanh thiếu nhi của làng tham gia các lễ hội, liên hoan, hội thi do các cấp tổ chức. Ngoài tình yêu cồng chiêng, múa xoang gắn bó từ thuở ấu thơ, Y Toanh còn đam mê đánh đàn T’rưng- là nhạc cụ gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng. Theo Y Toanh việc học và tìm hiểu về múa xoang, nhạc cụ truyền thống giúp thế hệ trẻ biết rõ hơn về truyền thống dân tộc, từ đó giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và cả vùng đất Tây Nguyên nói chung.

Cồng chiêng, múa xoang phản ánh đời sống tinh thần của bà con dân làng còn được du khách ngoài nước biết đến, luôn mong muốn có dịp được trải nghiệm, chứng kiến các chàng trai, cô gái hòa mình trong những âm thanh tiếng cồng chiêng cùng điệu múa uyển chuyển hấp dẫn tái hiện lại sinh hoạt, đời sống, phong tục tập quán của người dân địa phương nơi đây từ bao đời. Chị Đỗ Thị Thùy Dương đến từ thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ:“Từ xưa đến giờ mình chưa được trải nghiệm nên thấy độc đáo, từ trang phục cho tới việc các anh xoa bùn, rồi cô gái mang gùi rất dễ thương. Về Kon tum cảm nhận Kon Tum và con người ở đây rất gần gũi, thân thiện.”

Hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, xoang gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum chú trọng. Năm 2022, hội thi cồng chiêng, xoang lần thứ nhất được tổ chức từ cấp cơ sở đến thành phố. Với niềm đam mê và tích cực truyền dạy cồng chiêng, xoang của các thế hệ đi trước cùng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đã thắp lên ngọn lửa đam mê cồng chiêng trong mọi lứa tuổi. Những chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể này càng ý thức cao giá trị văn hóa mà cộng đồng được thừa hưởng từ quá khứ. Chính họ đã góp phần quảng bá những phong tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống đó một cách đầy thuyết phục. Bà Lê Thị Hiền – Giám đốc Trung tâm VH-TT-DL&TT thành phố Kon Tum cho biết: “Lần đầu tiên thành phố Kon Tum tổ chức hội thi cồng chiêng xoang lần thứ nhất, qua Hội thi này, thành phố Kon Tum mong muốn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Thông qua Hội thi này để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, để thế hệ cha anh truyền lại giá trị văn hóa cho thế hệ tiếp theo.”

Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng tình yêu của bà con dân làng dành cho cồng chiêng, xoang đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, để tiếng cồng, chiêng vang mãi muôn đời sau./.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *