(kontumtv.vn) – Đất nước đã hòa bình gần 50 năm, thế nhưng vẫn còn đó những người hằng ngày phải gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần do nhiễm chất độc da cam. Trong đó rất nhiều người đã từng cống hiến cả tuổi xanh, xương máu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1971, chàng trai trẻ Lý Quang Sận tham gia LLVT chiến khu Việt Bắc. Đến năm 1972 được đơn vị cử vào Nam chiến đấu. Là lực lượng cơ động, nơi nào khó khăn, chiến tranh ác liệt là đơn vị ông đều có mặt hỗ trợ cùng bộ đội địa phương. Những người lính “Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” vì hòa bình, tự do cho dân tộc. Kết thúc chiến tranh, ông may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, ngụ ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum. Nhưng ông và đồng đội lại không biết trong cơ thể mình đã nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Để rồi, dù sống trong hòa bình nhưng cả 3 người con của ông và cháu nội duy nhất đeo đẳng nỗi đau vì nhiễm chất độc da cam. Ông Sận xúc động chia sẻ: “Sinh ra các đứa con này thì khổ sở lắm, thứ 2 là cũng rất đau buồn, lắm lúc buồn bã tột cùng. Được bạn bè, anh em, một số cơ quan thấy cũng tội nghiệp nên đến động viên thì thấy cũng vơi đi khó khăn nên bản thân cũng tăng thêm nghị lực, cố gắng sống cùng với các con. Nếu mà không còn mình thì các con cũng không còn, mình mất thì sẽ mất hết.”

Bà Y Leo tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Bước chân của bà và đồng đội đã in dấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là địa bàn bị rải chất độc da cam. Khi hòa bình lập lại bà sinh được 4 người con, thì 2 người con và 2 cháu ngoại đều nhiễm chất độc hóa học. Vết thương da cam không mang hình hài viên đạn, nhưng đã đem lại nỗi đau cả về thể xác và tinh thần cho nhiều thế hệ. Mỗi khi nhìn con, bà Y Leo không khỏi đau xót: “Cái thằng này thì từ đầu đến cổ, hồi đó nó bị là không ăn không nói, mới có 15 ngày đã lở hết người, tùa lua túa lúa. Giờ càng lớn thì càng khó nữa, nó ăn cái gì là nó ăn cho bằng được, chứ nó không ăn uống được là nó lẩy, nó hờn, nó đập cái này, đập cái kia; nó không nói được, đau ốm liên miên, cảm ho, nóng trong người.”

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có gần 520 người tham gia kháng chiến sống trong vùng bị phun rải chất hóa học chưa được hưởng trợ cấp, 50 người con và 280 người cháu là nạn nhân di chứng da cam. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành phố Kon Tum luôn coi trọng, thực hiện có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Hành động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam vừa là tình thương yêu, trách nhiệm, đồng thời tiếp thêm nghị lực để nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống. Ông Đào Trường Bay – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Kon Tum cho biết: “Tháng 8 này, chúng tôi đã và đang có nhiều chương trình, hoạt động, ngoài tuyên truyền vận động ra, thì các chương trình như đưa các nhà hảo tâm, từ thiện đến các địa chỉ khó khăn để họ trao quà tận tay; tổ chức tọa đàm các cấp từ cấp xã phường cho đến thành phố. Trong tháng 8 này, thành hội sẽ hỗ trợ quy ra tiền khoảng 80 triệu đồng.”

Kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam – “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Kon Tum  đang đẩy mạnh các hoạt động cùng cộng đồng chia sẻ về vật chất và tinh thần để phần nào xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân./.

 CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *