(kontumtv.vn) – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề với cán bộ ngành Y cần được tính vào lương mới; điều chỉnh chế độ lương khởi điểm đối với bác sĩ theo đúng đặc thù ngành.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa diễn ra, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế đã gặp rất nhiều những khó khăn do hệ lụy từ dịch bệnh, đặc biệt là những khó khăn về cơ chế chính sách trong đãi ngộ, thu hút cán bộ nhân viên y tế; khó khăn trong tự chủ, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế… Hiện cả nước có 500.000 đoàn viên ngành Y tế, phụ trách chăm sóc sức khỏe, tính mạng cho khoảng 100 triệu dân. Vì vậy, việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Y tế là vô cùng cấp thiết.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, ngành Y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm; trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, so với cử nhân các ngành khác chỉ học trong 4 năm là sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp của các bác sĩ và cử nhân các ngành khác lại đang được hưởng như nhau.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Theo đó, cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).
“Về phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được tính vào lương mới để đảm bảo các chế độ đặc thù ngành y tế là ngành được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị. Cần có chế độ thu hút nhân lực đối với các ngành nghề đặc thù đối với các lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trong ngành Y như: Phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh. Đồng thời không quy định giảm biên chế với nghề đặc thù…”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo đó, thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã kịp thời kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách mới đảm bảo quyền lợi cho cán bộ y tế như: Tham mưu nâng chế độ phụ cấp chống dịch COVID-19; hỗ trợ dinh dưỡng 1 triệu đồng/cán bộ y tế, sinh viên y, dược đi tăng cường tại các tỉnh, thành phía Nam; tham gia xây dựng Thông tư bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ y tế bị mắc bệnh COVID-19 trong quá trình phòng chống dịch; tham mưu tổng kêt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khen thưởng các tấm gương ngành y tế; Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã huy động từ các nguồn để hỗ trợ cho 37.707 đoàn viên, người lao động toàn ngành với tổng số tiền và hàng hoá gần 400 tỷ đồng…; Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã đề xuất, tôn vinh và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân y, bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực công hiến trong cuộc chiến chống dịch với gần 1.800 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc…
Những hỗ trợ đúng lúc và kịp thời đã là nguồn động viên rất lớn để các cán bộ, đoàn viên Công đoàn Y tế luôn tận tuỵ, cống hiến, gắn bó với nghề; các cấp công đoàn ngành Y tế cũng khẳng định vai trò là hậu phương vững chắc của các “chiến sĩ áo trắng”.