(kontumtv.vn) – Khép lại 02 đêm thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 từ ngày 17 – 18/03 là những ấn tượng sâu sắc về các tiết mục diễn xướng dân gian độc đáo, được dàn dựng hết sức công phu và đậm đà bản sắc các dân tộc. Đây cũng là lần đầu tiên, người dân của tỉnh Kon Tum được trực tiếp thưởng thức những tác phẩm, những phần trình diễn nghệ thuật đến từ hơn 20 dân tộc anh em trong cả nước.

Dọc dãy Trường Sơn – Tây Nguyên là nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc ít người. Chính điều này đã tạo nên một cộng đồng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên vô cùng đa dạng, phong phú và hết sức đặc sắc. Tại Liên hoan năm nay, những nét văn hóa lâu đời ấy một lần sống dậy với vẻ đẹp sững sững, đậm chất huyền thoại mà vẫn rực rỡ, lấp lánh nét trữ tình, đằm thắm, nên thơ. Đó là vẻ đẹp của núi rừng gắn với cuộc đi săn qua 7 núi, 7 suối, 7 sông, 7 cánh đồng nương rẫy. Trong tiếng kêu cuối cùng của con nai rừng trước khi gục ngã, tiếng lòng của người đi săn vừa tiếc thương, vừa như nhắc nhở về một sự sống tràn đầy. Đó cũng là cuộc đấu chiêng gay cấn nhằm chọn ra trai làng tài giỏi nhất, xuất sắc nhất dành cho cô gái xinh đẹp nhất của làng. Đó là câu hát giao duyên, trao đổi tâm tình của những người yêu nhau mong đến được với nhau. Lời ca da diết, khi tự sự, khi đối thoại, khi trầm bổng, khi ngại ngùng,…Nghệ nhân Y Maih Mlô, 32 tuổi, người dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đăk Lăk cho biết, anh đã dành khoảng hơn 01 tháng để tập luyện nhuần nhuyễn cùng nghệ nhân nữ trong làng nhằm thể hiện tốt nhất phần trình diễn của mình: “Đoàn Đăk Lăk mang đến tiết mục song ca, đối đáp nam nữ. Cụ thể là tiết mục của người dân tộc Ê Đê ở Đăk Lăk. Nói chung là để tập cái bài truyền thống này đối với lớp trẻ cũng rất là khó nên phải tập thời gian rất là lâu. Tôi thì rất hứng khởi. Điều quan trọng nhất là được giao lưu với tất cả các tỉnh, các bạn từ các vùng địa phương khác. Nói chung đợt này tôi rất muốn mình hoàn thiện hơn để duy trì cái truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta”.

Có thể nói, các tiết mục diễn xướng dân gian văn hóa đã đem đến một sân khấu thu nhỏ, ở đó, nét đẹp của văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên trở nên sống động, rực rỡ như chính đời sống sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc. Ở tuổi 63, tiếng nghệ nhân Ka Thế, người dân tộc K’Ho ở tỉnh Lâm Đồng vẫn sang sảng, rền vang như tiếng chiêng cồng. Hiện nay, ông là nghệ nhân còn nắm giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo riêng có của người K’Ho. Đến với Liên hoan năm nay, nghệ nhân Ka Thế vô cùng vui mừng, phấn khởi: “Phải nói là rất hân hoan, rất xúc động, rất là sướng. Tại vì đây là diễn xướng mà. Người nghệ nhân phải thể hiện hết mình. Thể hiện hết mình là gì, tất cả những gì mình có bằng tâm huyết của mình, bằng ngôn ngữ của người địa phương, của người K’Ho của dân tộc Sơ Rê của chúng tôi tại tỉnh Lâm Đồng.”

Từ vùng đất Đồng Bằng Sông Cửu Long màu mỡ, trù phú, những nghệ nhân Khơ Me của tỉnh An Giang đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông với nhiệt huyết cháy hết mình cho nghệ thuật. 04 tiết mục diễn xướng dân gian của đoàn đã khái quát bức tranh tổng thể về đời sống sinh hoạt vừa phong phú, giản dị, vừa đậm chất thơ của vùng đồng bằng sông nước. Từ lời tâm sự của chàng trai nhớ mong cô gái trong lòng mình, điệu múa gáo khỏe khoắn sau mỗi giờ lao động hăng say đến loại hình nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pay vừa đàn, vừa hát bằng cách ứng tác các đoạn thơ phổ nhạc đều cho thấy nét đặc trưng không trộn lẫn của văn hóa người Khơ Me trong cộng đồng các dân tộc. Nghệ nhân Chi Sóc Hoanh đến từ tỉnh An Giang nói: “Cái Chầm Riêng Chà Pa này là một lối hát dân gian trong đời thường, trong sinh hoạt hàng ngày và lưu truyền đến ngày nay. Thì chúng ta biết là Chầm riêng nó mang yếu tố ca hát, Chà pay nó là cây đàn. Cái này nó không qua một trường lớp nào hết. Các nghệ nhân họ vừa tự đàn, họ vừa tự sáng tác và họ cảm nhận âm nhạc qua tiếng chim hót, qua cuộc sống lao động, qua những ngày được mùa, trúng mùa, qua tình duyên và qua những vụ mùa bội thu để sáng tác nên bài ca ngẫu hứng tùy theo thời điểm, tâm trạng buồn, vui.”

Với khoảng 80 tiết mục trình diễn tại 02 đêm thi, Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa năm nay đã mang đến một chương trình nghệ thuật được dàn dựng hết sức công phu, không phụ lòng mong đợi của đông đảo khán giả. Chị Nguyễn Thị Thúy Anh, nhà ở tổ dân phố 01, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông hào hứng cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia xem cái chương trình cồng chiêng Tây Nguyên. Thì mặc dù thời tiết Măng Đen đang rất là mưa nhưng mình rất hứng thú để đứng, tham gia xem chương trình. Với lại ở đây diễn ra sự giao lưu của nhiều dân tộc thì mình thấy rất hứng thú với chương trình này vì qua đây mình có thể hiểu biết về các bản sắc dân tộc của các dân tộc khu vực Tây Nguyên”.

Khép lại 02 đêm trình diễn dân gian văn hóa là những cảm xúc đong đầy còn đọng lại nơi khán giả và những nghệ nhân tham gia Liên hoan. Ở đó, tình đoàn kết, tinh thần giao lưu, học hỏi là yếu tố làm nên sự thành công của Liên hoan năm nay./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *