(kontumtv.vn) – Có được cảm hứng sáng tạo từ cuộc đời của Đại tướng, chúng tôi đã làm bộ phim kỷ niệm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tốc độ kỷ lục.

LTS: 60 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn thường được nhắc đến trên các bàn nghị sự, các câu chuyện đàm phán, các bài học lịch sử, tác phẩm văn học nghệ thuật… Nhân dịp này, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn về kỷ niệm làm phim Ký ức Điện Biên và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Ký ức Điện Biên” là bộ phim truyện nhựa được đặt hàng trong dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phim đã đoạt giải Cánh diều Vàng đạo diễn xuất sắc năm 2005, được chiếu cho hơn 2.000.000 lượt người xem trong nước, được mời tham dự các LHP Quốc tế lớn như Locarno, Singapore và được 5 nước châu Á trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản mua bản quyền từ 4 đến 15 năm để chiếu rạp, phát hành DVD và chiếu ở các nơi công cộng.

Có được thành công như vậy nhờ quá trình sáng tác chúng tôi đã có được cảm hứng sáng tạo từ cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặt khác, được Đại tướng quan tâm ủng hộ và hỗ trợ về tinh thần cho ekip làm phim.

Ký ức Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đỗ Minh Tuấn
Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên. Ảnh tư liệu

Hồi ký của Đại tướng

Chuyện làm phim “Ký ức Điện Biên” với tôi ập đến bất ngờ như một sự kiện mang tính định mệnh. Tháng 5 năm 2003, khi tôi từ Hoa Kỳ về sau 7 tháng nghiên cứu về Văn hoá Việt Nam trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại trường Đại học Massachusette do trung tâm William Joiner tổ chức với sự tài trợ của Rockefeller, tôi đã ấp ủ một dự án lớn để tiếp cận với Hollywood theo sự gợi ý của một số  đòng nghiệp Hoa Kỳ.

Nhưng về đến nhà được chị Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa kịch bản “Người hàng binh” chị ấy viết dựa theo truyện ngắn  của Chu Phác đề nghị tôi làm phim kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên.

Câu chuyện kể về một chiến sỹ tên là Bạo được giao nhiệm vụ cùng cô y tá Mây đưa người hàng binh Pháp Becna về hậu tuyến. Dọc đường đi đã xảy ra chuyện tình tay ba giữa họ. Chứng kiến khí thế của quân dân ta, anh hàng binh đã xin quay trở lại để đứng giúp cho quân ta làm công tác địch vận.

Tôi thật sự phân vân. Cái định kiến về phim kỷ niệm đã ăn sâu trong xã hội, làm hay đến mấy cũng bị chê thôi! Pháp đã làm phim về Điện Biên Phủ bằng tiền tấn, phim mình liệu được duyệt bao nhiêu? Lúc ấy lãnh đạo và các nghệ sỹ trong Hãng Phim tryện Việt Nam cho rằng thời gian ngắn thế chỉ kịp làm phim xinh xinh, với vài tỷ tiền tài trợ, không thể làm phim đặt hàng quy mô lớn. Thời gian chỉ còn hơn 10 tháng, viết lại kịch bản, rồi làm thủ tục đặt hàng cũng mất hai ba tháng! Nhiều phim đặt hàng trước đây làm thủ tục mất hàng năm. Liệu có kịp không? Nhiều bạn bè khuyên đừng dính vào phim “cúng cụ”.

Trong tâm thế ấy tôi vào thư viện tìm tư liệu và chợt tìm thấy cảm hứng từ những chi tiết sống động và độc đáo trong cuốn hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đã có cảm hứng và chất liệu, tôi hình dung ngay được mạch chuyện của cuộc chiến đấu giữ đất với những sự kiện tiêu biểu của chiến dịch.

Việc kể lại chiến dịch, tái hiện những cảnh chiến đấu ở thung lũng Điện Biên thì các phim trước đã làm. Ký ức Điện Biên cũng phải tái hiện theo cách riêng những dấu mốc lịch sử của chiến dịch.

Nhưng khác các phim trước, “Ký ức Điện Biên” tái hiện các sự kiện quan trọng của chiến dịch, không khí hào hùng sôi động của chiến sỹ, dân công, những gian khổ, khó khăn và hy sinh trong các trận giáp mặt khốc liệt.v.v được thể hiện nhiều qua góc nhìn của các nhân vật, hoặc tương tác với hành vi và tâm trạng của họ để làm tăng kịch tính và xung đột của chuyện phim.

Chẳng hạn, những cảnh đầu phim (ta pháo kích dữ dội, đồng đội Bernard bị cưa chân,bị điên vì căng thẳng…) tạo ấn tượng ghê rợn cho Bernard, khiến Bernard phải chạy sang bên ta đầu hàng. Bernard chứng kiến cảnh sinh hoạt rất gian khổ và của bộ đội ta, bắt gặp những ánh nhìn căm giận. Đến khi được anh lính Bạo và cô y tá Mây dẫn về hậu cứ, được hai người chăm sóc, dù chỉ là nghĩa vụ hay thậm chí Bạo vừa chăm sóc vừa bộc lộ sự khó chịu, căm ghét, thấy Bernard đi chậm Bạo sốt suột hầm hầm bắt anh ta leo lên lưng cho mình cõng…

Dọc đường Bernard nhìn đoàn xe kéo pháo và đoàn dân công ra mặt trận với khí thế tưng bừng như trẩy hội, còn được lôi vào múa sạp cùng các dân công, anh đã đòi quay trở lại để giúp quân ta vận động binh lính Pháp từ bỏ cuộc chiến tranh phi nghĩa. Sự hung hãn của những sỹ quan và binh lĩnh tử thủ trong lúc Bernard gọi loa binh vận cũng được đặt trong không khí khốc liệt và dai dẳng của chiến dịch này. Và Bạo đã vừa đào hầm trên đồi A1 để tạo nên chiến thắng cuối cùng, vừa bần thần đau khổ vì đã chứng kiến cảnh Bernard và Mây gần gũi nhau trong bếp ăn của chiến dịch khi anh quay về lấy thêm vật dụng…

Ký ức Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đỗ Minh Tuấn
  Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đi thăm lại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuộc đời của Đại tướng

Khi “Ký ức Điện Biên” vừa ra mắt, báo Tuổi trẻ đã có bài viết khen “Ký ức Điện Biên” đã bước khỏi lối mòn của loại phim kỷ niệm. Hơn hai mươi tờ báo trong đó có các báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Thanh Niên, Thể thao văn hoá, Sài Gòn giải phóng, Văn hoá, Đại đoàn kết, Phụ nữ Việt Nam.v.v. đã có bài khen ngợi “Ký ức Điện Biên” chân thực, hoành tráng, ấn tượng và xúc động, khác hẳn các phim kỷ niệm trước đây “chiến tranh ra chiến tranh” (Sài Gòn giải phóng, Thể thao văn hoá, Văn hoá…)

Có được những kết quả như thế nhờ chúng tôi đã trăn trở suy nghĩ với quyết tâm làm thành một bộ phim nghệ thuật, một phim tâm lý xã hội. Nếu như phim “Điện Biên Phủ” của Pháp chủ yếu tái hiện dòng chảy của chiến dịch, khắc hoạ cái dữ dội, khốc liệt từ góc nhìn của người lính Pháp, “Hoa ban đỏ” của Việt Nam chủ yếu diễn tả cái phơi phới hào hùng của phía quân ta, bối cảnh áo quần sạch sẽ, ngược hẳn với phim của Pháp, thì “Ký ức Điện Biên” không chỉ dừng lại ở sự tái hiện lịch sử cuộc chiến đấu giữ đất, mà còn có tham vọng chia sẻ với cuộc chiến đấu giữ người và cuộc chiến đấu giữ gìn ý nghĩa.

Tôi đã tìm thấy ý tưởng về hai cuộc chiến này từ những uẩn khúc gần xa trong cuộc đời Đại tướng và cuộc chiến thầm lặng mà Đại tướng đã âm thầm thực hiện để đứng vững trong vị thế của một người con kiên định và cởi mở của dân tộc Việt Nam với tư duy hoà bình và tư duy hội nhập đi trước thời đại.

Ý tưởng đó đã tạo cho tôi cảm hứng dẫn dắt câu chuyện theo cái tứ mới, đưa các nhân vật Bạo, Mây và Bernard vào ba cuộc chiến chạy dọc suốt chiều dài 50 năm lịch sử: Cuộc chiến đấu giữ đất đã chuyển sang cuộc chiến đấu giữ người ngay trong chiến dịch Điện Biên, và sau này, khi người làm nên trận chiến này từ hai trận tuyến đã về già, đã tìm gặp lại nhau trong một tình bạn mới, họ lại phải đối mặt với cuộc chiến đấu giữ gìn ý nghĩa cho chiến thắng này.

Xuyên suốt ba cuộc chiến đấu đó là cái bối rối của con người Việt Nam trước hoà bình, trước sự tử tế của ngoại nhân mà lần đầu họ trải nghiệm.

Cảm hứng mới và ý tưởng mới đã khiến tôi viết lại kịch bản và phân cảnh rất nhanh. Hoạ sỹ Vũ Huy, một trong bốn thành viên chủ chốt của đoàn phim đã đến gặp Đại tướng cho ông xem hình ảnh các bối cảnh của phim. Đại tướng đã ký vào cuốn album chụp các bối cảnh và sau đó gửi tặng  chúng tôi cuốn Hồi ký “Chiến đấu giữa vòng vây” của ông với chữ ký trang trọng ở ngay đầu sách.

Có được cảm hứng sáng tạo từ cuộc đời của Đại tướng, chúng tôi đã làm bộ phim kỷ niệm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tốc độ kỷ lục: Chỉ trong 8 tháng vừa làm các thủ tục pháp lý để nhà nước đặt hàng (các phim khác làm mất hàng năm), vừa triển khai sản xuất ở Việt Nam, Paris và Thái Lan với sự tham gia của mấy ngàn quần chúng đóng bộ đội, dân công, lính Pháp, huy động hàng chục xe kéo pháo, làm gần ba chục phút kỹ xảo…để bộ phim kịp ra mắt trước ngày 7-5-2004.

Có được kỷ lục và quy mô đó là do uy tín của Đại tướng đã giúp đoàn phim đi đến đâu cũng được sự hỗ trợ hết lòng của chính quyền từ trên xuống dưới, của quân đội, của nhân dân các địa phương, của các đối tác trong và ngoài nước.

Còn nữa.

  • Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn /Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *