(kontumtv.vn) – Người Ba Na ở thành phố Kon Tum luôn tự hào vì làm được loại men rượu từ vỏ cây rừng độc đáo, thì người Xơ dră – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà vẫn còn giữ được hương vị rượu ghè nồng nàn nhờ men dây lá, bà con thường gọi là Xai Rệh. Đây là một loại dây leo mọc trong rừng, được bà con hái về chế biến thành men để làm nguyên liệu nấu rượu ghè truyền thống.

Tranh thủ những ngày cuối năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa cà phê, bà Y Veng cùng các bà, các em trong làng Wang Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà rủ nhau đi vào rừng tìm nguyên liệu để làm men rượu truyền thống. Đối với người Xê Đăng -Xơ dră ở xã Đăk Ui, bà con thường dùng một loại dây leo có tên là Xai Rệh để làm men nấu rượu ghè. Bà Y Veng kể, ngày xưa, Xai Rệh mọc khắp nơi, từ nương rẫy cho đến tận rừng sâu nên rất dễ kiếm. Tuy nhiên, loại dây leo này lại có nhiều loại khác nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn. Trong làng bây giờ cũng chỉ còn một số ít người lớn tuổi, có kinh nghiệm mới có thể phân biệt loại dây nào có thể dùng làm men, loại dây nào thì không. Bà Y Veng cho hay: “Bữa nay dây men thì nhiều, nhưng mà đa số là đi làm rẫy, làm nương mà đã phun trúng thuốc trừ cỏ, trừ sâu thì không dùng được. Cho nên là lấy là phải lấy nguyên chất trong rừng, khi đi trên rừng gặp thì lấy. Còn lấy thì bất cứ lúc nào lấy cũng được hết, nam hay nữ lấy cũng được hết. Nhưng mà phải phân biệt đúng của dây. Nếu mà nhầm lẫn thì nó sẽ không có mùi men, với lại nó không đúng là sẽ bị gặp dây độc cho nên là không lấy được.”

Bà Y Veng năm nay đã 63 tuổi và biết làm men từ khi mới 10 tuổi nên mọi người rất yên tâm khi bà dẫn đi tìm loại dây leo này cũng như hướng dẫn cách làm men Xai Rệh. Sau khi tìm đúng dây Xai Rệh, bà Y Veng cùng mọi người tranh thủ về nhà để bắt đầu làm men. Cách làm men Xai Rệh cũng khá đơn giản, dây leo sau khi được rửa sạch, bà con đập dập từ rễ tới ngọn, chỉ lấy lá và vỏ cây để sử dụng. Sau khi chặt nhỏ, bà con có thể phơi khô và giã thành bột để dự trữ sử dụng dần hoặc làm mẻ men tươi đều được. Nguyên liệu để làm men dây lá bao gồm gạo nếp đã ngâm nước, ớt, Xai Rệh và gừng sẻ. Bà con quan niệm, ớt và gừng sẻ sẽ chống tà và tạo ra mùi vị men thơm, cay nồng đặc trưng.

Bà Y Veng hướng dẫn, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, bà con cho tất cả nguyên liệu vào cối giã nát thành bột mịn. Nếu đổ ra nia mà vẫn còn vón cục, bà con sẽ sàng đi sàng lại và tiếp tục giã cho đến khi có thành phẩm bột mịn hoàn toàn. Trong quá trình giã, bà con thêm vào một ít bột mịn Xai Rệh để tăng thêm hương vị của men. Tiếp đến, đổ nước lọc vào để trộn đều bột và nặn thành những bánh men tròn có kích thước vừa tay. Đồng thời tiếp tục rải thêm bột men Xai Rệh của năm cũ lên những bánh men mới với mong muốn mẻ men mới này sẽ nhanh lên men, sẽ thơm và ngon như men đã làm trước đó. Điều này cũng mang ý nghĩa làm tăng thêm mối quan hệ đoàn kết tình làng nghĩa xóm và sự kết nối của cha ông đến thế hệ mai sau. Bước cuối cùng đó chính là xuyên lỗ bánh men và ủ bánh men trong vòng 3 ngày. Sau đó xỏ dây bánh men để tiện cho việc dự trữ. Việc xỏ dây bánh men cũng có ý nghĩa riêng, đó chính là sau khi uống rượu ghè thì mọi người vẫn luôn tỉnh táo và suy nghĩ thông suốt. Bà Veng cho biết thêm: “Ngày xưa ông bà coi như là làm men đó, là đàn ông không được ở nhà, chỉ có đàn bà, những người già thôi, những người làm thì mới ở được trong nhà. Kiêng là sợ là đàn ông ở trong nhà gặp xui xẻo, hoặc là họ đi săn bắn không được, ngày xưa là như thế. Nhưng mà bữa nay thì không có việc đó nữa, bữa nay bỏ rồi. Từ khi mà có cách mạng về đây, là bỏ đi cái phong tục kiêng. Cho nên bây giờ là làm tự do, muốn làm gì cũng được. Muốn giã lúc nào cũng được, miễn là có sẵn trong nhà, khi cần thiết thì mình làm.”

Men Xai Rệh có thể dự trữ và dùng được cho cả năm. Vậy nên ngày nay, men Xai Rệh vẫn thường được bà con Xê Đăng-Xơ dră sử dụng mỗi khi nấu rượu ghè truyền thống. Không chỉ vậy, loại men này đang trở thành sản phẩm được bà con mua bán, trao đổi và giao lưu, học hỏi cách làm men để đưa ra thị trường. Hiện tại, 1 bánh men Xai Rệh có giá từ 15 – 20.000 đồng và có thể nấu được tầm 3 – 5 ghè rượu tùy loại. Chị Y Vinh, con gái của bà Y Veng cho biết: “Hương vị của rượu men tự nhiên thì nó có rất là nhiều vị, ngọt, đắng, chua, mỗi thứ nó một vị. Trong đó thì tùy mình chọn trong cách xử lý men là mình chọn men nào làm chủ đạo, thì nó sẽ cái vị rượu đấy là chủ đạo. Còn nếu mà men mình mua ngoài chợ, ngoài thị trường thì nó chỉ có một vị ngọt, và ngọt lịm luôn, y như mật ong, cho nên là uống thì nó cũng hay đau đầu. Nhưng mà đa số người dân ở trong này thì không có dùng men ngoài chợ. Bởi vì kinh tế và ít khi họ ra tới thị trường lắm, chủ yếu họ là tự cung tự cấp cho cái men mình tự làm, uống là đảm bảo.”

Men Xai Rệh có thể làm bất kỳ lúc nào trong năm. Cái khó nhất vẫn là đi tìm đúng loại dây men lá Xai Rệh ở trong rừng. Mặc dù cách làm men Xai Rệh đơn giản, thế nhưng không phải ai cũng làm được. Để làm được men Xai Rệh ngon còn phụ thuộc vào kinh nghiệm quen tay của từng người. Cũng là loại dây đó, đầy đủ nguyên liệu như thế nhưng có người sẽ làm ra men có vị chua, vị đắng, lại có người làm ra men có vị ngọt. Thế nên, mỗi khi có dịp, các bạn trẻ trong làng lại đến học hỏi cách làm men Xai Rệh ngon từ bà Y Veng. Trong đó có em Y Nhâm ở làng Wang Hra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Biết đến men truyền thống của dân tộc Xơ dră từ khi còn nhỏ, Y Nhâm rất tự hào cũng như ý thức được việc giữ gìn loại men truyền thống này.

Men Xai Rệh đã trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng của bà con vùng đất Đăk Ui anh hùng. Vậy nên, người dân nơi đây vẫn đang từng ngày tiếp nối, truyền dạy lại cách làm men truyền thống, để tự hào giữ gìn lại bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông bà ngày xưa cho thế hệ mai sau./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *