(kontumtv.vn) –  Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những dịp lễ lớn trong năm của người theo đạo Phật. Đây là ngày tưởng nhớ, báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ. Với ý nghĩa đầy tính nhân văn, Lễ Vu Lan đã lan tỏa và trở thành ngày lễ báo hiếu của nhiều người dân Việt Nam.

Trong những ngày này, ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gia tiên, thắp nén hương tưởng nhớ đến người thân đã khuất, nhiều người còn làm nhiều việc thiện cũng như bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành. Em Ngô Thị Kiều Oanh ở Phường Duy Tân, TP. Kon Tum cho biết, bản thân may mắn vẫn còn cha mẹ và được cài bông hồng đỏ lên áo. Trong dịp lễ Vu Lan, chỉ cần điều này thôi cũng đủ để em xúc động và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Điều này cũng nhắc nhở em phải biết trân trọng và thể hiện tình cảm, việc làm của bản thân để báo đáp công ơn cha mẹ, các bậc sinh thành. Em Oanh chia sẻ: “Trong dịp lễ Vu Lan này, em rất là biết ơn vì bố mẹ em đã mang nặng đẻ đau em để có em trên cuộc đời này. Em sẽ cố gắng nghe lời bố mẹ; cố gắng học tập để đền đáp công lao của bố mẹ trong suốt thời gian vừa qua. Em sẽ cố gắng để lớn lên em có thể báo đáp và chăm lo cho bố mẹ em một cách chỉnh chu nhất.”

Là một Phật tử của Chùa Huệ Chiếu, ông Lê Hữu Khải ở phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum đã tham gia, giúp sức trong việc dọn dẹp, trang hoàng nhà chùa ngay từ  đầu tháng 7 âm lịch. Ông cho biết, ngay từ ngày mồng 6 âm lịch, đông đảo người dân, Phật từ nơi xa đã về đây để đăng ký tham gia Lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa. Trong đó có phần Lễ cầu siêu cho những người đã khuất.

Thượng tọa Thích Vạn Nhơn, Trụ trì Chùa Huệ Hương cho biết, trong dịp rằm tháng 7 âm lịch, tất cả các Tư viện, chùa đều được trang hoàng, trang nghiêm và tổ chức Pháp hội “Vu Lan báo hiếu” với những nội dung như Giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, Lễ cầu siêu. Nhiều người dân thường đến chùa thắp hương, dâng hoa và tham dự những nghi lễ trang trọng để cầu an, cầu sức khỏe cho cha mẹ. Thượng tọa Thích Vạn Nhơn nói thêm, Lễ Vu Lan Báo Hiếu có 4 ý trọng ân, trong đó có Ân cha mẹ sinh thành: “Hình ảnh người mẹ và đóa hoa hồng trên ngực đã nói lên, làm người con phải biết đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; và hồi hướng công đức thiện lành này để kỳ siêu ông bà, tổ tiên của mình đã quá vãng. Không phải là tới ngày Vu Lan báo hiếu thì mình mới nhớ đến công ơn cha mẹ, người đã sinh dưỡng mình. Mà muốn đạo hiếu này được lan truyền từ ngôi chùa đến mọi nhà của mình và hàng ngày, trách nhiệm của mình là phải đền ơn đáp nghĩa đối với cha mẹ, cũng như là ơn các bậc tổ tiên đi trước của mình, để ngày hôm nay mình được sống tốt đẹp hơn.”

Đại lễ Vu Lan báo hiếu là tín ngưỡng dân gian, nhưng nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Không chỉ hiếu kính cha mẹ, đây còn là dịp mọi người có thời gian tĩnh tâm lại giữa bộn bề cuộc sống. Từ đó có những hành động ý nghĩa, tích cực, xứng đáng với tình thương, công ơn của đấng sinh thành; hướng đến những việc làm thiện nguyện để lan tỏa, tạo thành phong trào, nét đẹp trong cuộc sống./.

Hơ Jan – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *