(kontumtv.vn) – Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Kon Tum luôn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ nữ tham gia trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Qua đó góp phần vào sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, tạo môi trường phát triển tiềm năng cho cán bộ công chức, viên chức nữ trong toàn tỉnh.

Huyện Kon Rẫy có hơn 650 nữ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có nhiều cán bộ nữ đảm nhận những vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị của huyện. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử 13 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, trong đó có bà Đinh Thị Sương, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy. Bà Sương cho biết, được sự tín nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, ban đầu bà được giao chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn và trong nhiệm kỳ vừa qua, bà tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve: “Bản thân là người DTTS phụ nữ, thì cũng được sự quan tâm, được cử đi học các lớp chuyên môn và bên cạnh đó thì được đào tạo về chính trị. Với phụ nữ mà được giao với nhiệm vụ trọng trách chủ tịch của một thị trấn thì cũng rất là lớn. Nên bản thân cũng thấy rõ trách nhiệm nên cũng hết sức cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao”.

Trong gần 5 năm qua, huyện Kon Rẫy đã cử 525 lượt nữ cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và tiêu chuẩn theo ngạch, nhất là nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nữ trong diện quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn và kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và cơ hội để cán bộ nữ được cống hiến và trưởng thành. Qua đó phấn đấu tăng tỷ lệ nữ trong các cấp uỷ Đảng, cơ quan nhà nước, trên các lĩnh vực quản lý xã hội, y tế, giáo dục…góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện các chỉ tiêu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Kon Rẫy cho biết: “Khi được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tin tưởng giao nhiệm vụ thì bản thân tôi cũng trên cơ sở năng lực, rồi kinh nghiệm thực tiễn của bản thân đã trải qua. Thì bản thân cũng muốn thứ nhất là khẳng định bản thân mình là cán bộ nữ, góp phần cùng với đội ngũ cán bộ của huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến chính trị cũng như là về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện nói chung”.

Bà Đinh Thị Mỹ Hảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Rẫy cho biết, xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức tham mưu về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS; thực hiện đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và phương châm đã đề ra. Theo đó, trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm hơn 23%, đảm bảo có cơ cấu nữ trong Ban Thường vụ Huyện ủy. Còn đối với quy hoạch cấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ là gần 50% và đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nữ theo quy định. Bà Hảo nói: “Với chức trách, nhiệm vụ được giao thì nhìn chung trong thời gian vừa qua, đối với các đồng chí là cán bộ nữ chủ chốt thì cũng luôn phát huy được vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần trong việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như là xây dựng hệ thống chính trị của cấp huyện cũng như là cơ sở ngày càng vững mạnh”.

Thực hiện Đề án các biện pháp bảo đảm Bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 515 của Chính phủ, tính đến cuối năm 2020, tỉnh Kon Tum hiện có gần 11.000 cán bộ, công chức, viên chức là nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 65%. Trong đó, tổng số nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền các cấp là 211 người, chiếm tỷ lệ khoảng 21%. Đồng thời đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và trình độ đại học cho hơn 7.000 lượt cán bộ nữ, trong đó đa số là hội viên Hội LHPN tỉnh. Bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hằng năm Hội LHPN tỉnh cũng đã có kế hoạch phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ hội chủ chốt, từ chủ tịch, các phó chủ tịch cấp huyện, cấp cơ sở. Trong đó ưu tiên đối với những cán bộ hội mới được bố trí sắp xếp về công tác hội. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng như thế thì đội ngũ cán bộ hội các cấp ngày càng nâng lên về số lượng và chất lượng, đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác hội trong tình hình hiện nay”.

Việc đào tạo, bố trí cán bộ nữ không chỉ tạo động lực để họ phấn đấu trong công tác, trong nhiệm vụ được phân công, mà còn là cơ hội phụ nữ chứng tỏ được năng lực để cống hiến, phát huy tài năng của mình và minh chứng rằng họ có thể đảm đương nhiệm vụ được giao và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *