(kontumtv.vn) – Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 diễn ra trong 04 ngày, từ 16 – 19/03 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Khép lại Liên hoan, những cảm xúc, ấn tượng đậm nét vẫn còn mãi trong lòng công chúng cũng như các đoàn nghệ nhân tham gia.

Đây là năm đầu tiên tỉnh Kon Tum đăng cai tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Liên hoan quy tụ hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân dân gian gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ mà còn là cơ hội để tỉnh Kon Tum quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp đất và người đến với bạn bè trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Dự Liên hoan năm nay có không ít đoàn nghệ nhân vượt chặng đường hơn 1.000 km dọc chiều dài đất nước để với đến với Măng Đen. Đó là các đoàn nghệ nhân tỉnh Tuyên Quang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa, An Giang… Không gì diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hứng khởi của các nghệ nhân khi tham gia Liên hoan lần này. Đó là những con người vừa bước chân ra từ đồng ruộng, nương rẫy, rời xa nếp quen thuộc của buôn, làng để bước lên ánh đèn sân khấu. Bằng tất cả trái tim, khối óc, tình yêu với nghệ thuật dân tộc, các nghệ nhân dân gian đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Các tích trò miêu tả lại hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, lần thứ III tổ chức chúng tôi thấy xuất hiện nhiều tích trò được diễn ra đảm bảo tính nguyên bản, chưa thấy một tích trò nào bị cải biên. Đó là điều đáng mừng. Thứ 2, nhiều cái loại hình nhạc cụ, đặc biệt có những nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số mà nó bị hạn chế bởi tập tục mà đồng bào ít khi mang ra để trình diễn nhưng đợt này đã thấy xuất hiện, chúng tôi thấy đó là điều đáng mừng. Rồi nhiều làn điệu dân ca, dân vũ ngay cả chúng tôi hoạt động nhiều năm cũng lần đầu tiên được nghe.”

Liên hoan cũng đã đưa công chúng đến gần hơn với nghệ thuật diễn xướng dân gian; đồng thời giúp Măng Đen được biết đến là một vùng đất của tình yêu, không chỉ giàu văn hóa mà còn hiếu khách, thân thiện. Nghệ sĩ ưu tú Huy Tráng đến từ tỉnh Bắc Ninh nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một sự nhìn nhận rất thấu đáo của Ban Tổ chức đã tổ chức Liên hoan tại thị trấn Măng Đen này. Qua dịp này để tiếp xúc với nhau, trao đổi với nhau về nghệ thuật, trao đổi với nhau về con người, tìm hiểu với nhau những nét sống, văn hóa từng vùng miền, tôi cho rằng đây là một điểm mà Măng Đen đã ghi được dấu ấn. Mọi người sau khi biết được chương trình này, họ sẽ quý Măng Đen hơn và đến với Măng Đen nhiều hơn.

Diễn ra trong một thời gian không dài, một không gian không rộng nhưng Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng cũng như các đoàn nghệ nhân tham gia. “Chúng tôi rất mừng là chúng tôi học hỏi ở các bạn, học hỏi ở các đoàn. Chúng tôi chưa giỏi nhưng chúng tôi sẽ học những cái đẹp nhất, để làm gì, là giữ gìn, duy trì và bảo tồn nó một cách trọn vẹn để sau này thế hệ mai sau nó học. Việc học này mong rằng đưa về nhà trường để giáo dục, để chúng tôi còn có con em theo học để đỡ mai một.”, Nghệ nhân Ka Thế ở tỉnh Lâm Đồng phấn khởi nói.

Nghệ nhân Chi Sóc Hoanh thuộc Đoàn nghệ nhân tỉnh An Giang cho biết: “Không gian tổ chức rất là đẹp, cơ sở vật chất phục vụ rất là tốt. Và đặc biệt một điều nữa là các anh chị trong Ban tổ chức cũng như các tình nguyện viên đã hỗ trợ tích cực cho đoàn. Đoàn rất là thuận lợi trong khâu đi, đứng cũng như gặp cái vướng mắc gì thì trao đổi. Và một điều tôi cảm thấy rất là ân tình đó là tôi phải nói 1 lời cảm ơn, cảm ơn rất nhiều đến các bà con ở tại thị trấn Măng Đen này. Bà con rất chân tình, cởi mở, giúp đỡ đồng bào Khơ Me chúng tôi rất là nhiều.”

Nghệ nhân Điểu Oanh ở tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: “Việt Nam ta có tới 54 dân tộc anh em thì tất cả dân tộc nào cũng đều có bản sắc văn hóa riêng, kể cả Chơ Ro, Châu Mạ, tiếng Ê Đê, Kinh, Tày, Nùng cũng vậy nên Liên hoan này rất thiết thực, đặc biệt cái thời điểm này, tại vừa qua dịch Covid cũng nhiều cho nên sự giao lưu bị ngắt đoạn, không có. Lần này thứ 3 nhưng cách lần thứ 2 cũng lâu lắm rồi. Cho nên chúng tôi mong rằng sau lần thứ 3 này thì còn lần thứ 4, thứ 5 dài dài mãi, định kỳ thì càng tốt.”

Dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, mái nhà chung của hơn 20 dân tộc thiểu số ít người, bóng núi, dáng rừng đã tạo nên một nền văn hóa đặc trưng, riêng có mang tên văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên. Tại Liên hoan này, một lần nữa, những nét đẹp của văn hóa ngàn đời được sống dậy, sừng sững, lấp lánh và rực rỡ như chính ánh mặt trời đang chiếu rọi trên dãy Trường Sơn. Và không chỉ có thế, nơi đây, tại thời điểm này, đã hội tụ muôn hình, muôn vẻ những nền văn hóa khác nhau, từ Kinh Bắc đến Châu Đốc An Giang, từ Mường Thanh, Tuyên Quang đến Sài Gòn tấp nập, từ Phủ Lí – Hà Nam đến Lâm Đồng, Quảng Ngãi… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh hoạt cộng đồng với đầy đủ những độc đáo, đặc sắc riêng có của nghệ thuật dân giân. Đúng như tinh thần chủ đề của Liên hoan năm nay, đó là “Trường Sơn Tây Nguyên – Đoàn kết, bản sắc và phát triển”. Khép lại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022, vẫn còn đó những ấn tượng tốt đẹp về một kỳ Liên hoan đong đầy tình đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa các dân tộc. Đây chính là hành trang để các nghệ nhân tiếp tục đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *