(kontumtv.vn) – Thời điểm hiện nay giá xăng, dầu đã giảm mạnh, tuy nhiên giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa giảm, trong đó có nhóm mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm khiến đời sống của người lao động tự do trên địa bàn tỉnh Kon Tum vốn đã khó nay càng khó khăn thêm.

Vợ chồng chị Lê Thị Hoài và anh Trần Công Chung ở thôn Kon Hring, xã Đăk Bla, thành phố Kon Tum đã gắn bó với công việc bán vé số hơn 10 năm nay. Do hoàn cảnh đặc biệt, vợ bị liệt hai chân và chồng bị khiếm thị nên anh chị khó kiếm việc khác ổn định hơn. Thu nhập trung bình một ngày, nhiều thì trên 100.000 đồng, ít chỉ có 50-60.000 đồng. Về sinh hoạt, ăn uống của cả gia đình, chị Hoài cho biết, trước đây chi 50.000 đồng/ngày để mua thức ăn, tuy nhiên theo thời giá hiện nay không đủ. Nỗi lo nhất của anh chị là việc đau ốm phát sinh, con gái ăn học. Bởi ngoài tiền bán vé số và khoản chế độ chính sách ít ỏi, gia đình không còn nguồn thu nào khác. Chị Lê Thị Hoài nói: “Mình chi tiêu cái gì chính đáng, ví dụ mình dùng những gì có thể tiết kiệm được cho gia đình mình sinh hoạt để, điện, nước này. Xăng giảm có giảm nhưng những thiết yếu phẩm hằng ngày không giảm, ví dụ mớ rau ngày xưa 5-7 nghìn giờ lên 10 nghìn, 12 nghìn, còn những đồ ví dụ như thịt cá, thịt này cũng tăng này không xuống”.

Chung cảnh chật vật khi tình hình giá cả tăng cao là gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở TDP 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Anh làm nghề thợ xây nên việc chăm lo chu toàn cho 3 người con đang tuổi ăn, học không dễ dàng gì. Căn trọ chật hẹp, đơn sơ, vẻn vẹn 15m2, giá thuê 700 nghìn đồng/tháng là nơi ở của 4 bố con. Anh Hiếu cho biết, tháng nào thời tiết thuận lợi, có nhiều công trình thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Với thu nhập này chẳng thế dôi dư vì có quá nhiều khoản chi gồm tiền thuê phòng, điện, nước, ăn uống hằng ngày. Hiện nay, vật giá tăng cao, tháng nào không thiếu là đã mừng. Nhiều lúc anh cũng muốn tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế nhưng không có tài sản thế chấp, công việc bấp bênh nên rất khó khăn. Anh Hiếu cho hay: “Trong cuộc sống bây giờ, vật giá tăng thì mình chi tiêu vật giá ít lại. Vừa rồi xăng có giảm mình đi lại có đỡ hơn chút, thoải mái hơn. Mình giờ nuôi 3 cháu, 1 cháu cấp 3, 2 cháu cấp 2 nên mình chi tiêu trong gia đình hạn chế hơn, tiết kiệm lại tí”.

Thương bố đi làm vất vả, ngoài việc học em Nguyễn Thị Quỳnh Như chưa bao đòi hỏi phải mua cho mình những đồ chơi đắt tiền như bạn bè cũng trang lứa. Em luôn có ý thức tiết kiệm cùng gia đình trong thời buổi khó khăn. Trước nhà có vài thùng xốp trồng rau má, em cố gắng chăm sóc để có thêm nguồn rau xanh cho gia đình. Em Nguyễn Thị Quỳnh Như, con anh Nguyễn Công Hiếu tâm sự: “Hàng ngày bố không mua rau thì em sẽ lấy rau ở ngoài đó để nấu. Em thương bố hằng ngày chị em cũng tiết kiệm có thể được để có thể tiết kiệm giúp đỡ bố”.

Thắt chặt chi tiêu là cách gia đình chị Lê Thị Hoài và gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu để xoay xở trong thời điểm giá cả mặt hàng tiêu dùng tăng cao. “Với tình hình hiện nay, người lao động như chúng tôi mong muốn giá cả sẽ sớm bình ổn trở lại để chúng tôi đỡ gặp khó khăn trong cuộc sống chi tiêu hằng ngày hơn”, chị Lê Thị Hoài ở thôn Kon Hring, xã Đăk Bla, thành phố Kon Tum cho biết mong muốn của mình.

Anh Nguyễn Văn Hiếu ở tổ dân phố 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum nói: “Chuyện giá cả vật chất bây giờ lên xuống bất thường nên mình cũng không nắm được, trước mắt mình cứ chi tiêu tiết kiệm lại, chứ làm sao biết được cố gắng đi làm nhưng thời tiết này cũng bất thường nên cũng bất ổn”.

Mua bán lẻ, bán vé số, chạy xe ôm, làm thợ xây… mỗi nghề có những đặc thù, sự vất vả riêng, nhóm nghề tự do này thu nhập rất bấp bênh. Trong thời điểm giá mặt hàng tiêu dùng tăng cao, đối tượng này rất cần sự hỗ trợ để yên tâm lao động, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, giải pháp bình ổn thị trường luôn là bài toán khó của ngành chức năng và chính quyền địa phương./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *