(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới, phần đông là đồng bào DTTS sinh sống. Đến với các xã biên giới hôm nay, có thể thấy diện mạo các thôn, làng đã đổi thay rõ nét, bên cạnh những con đường bê tông trải dài là những vườn cây cao su, cà phê, ruộng lúa xanh tốt và những ngôi nhà xây kiên cố, cho thấy đời sống người dân nơi đây đang từng ngày phát triển.

Xã biên giới Đăk Long, huyện Đăk Glei có khoảnh 1.500 hộ, gần 100% là đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, nhân dân trên địa bàn xã luôn được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn xã có hơn 1.220 ha cây trồng hằng năm; gần 1.100 ha cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 44%.

Ông A Xen ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei phấn khởi cho biết, ngoài hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng đường bê tông đến tận các thôn, làng và khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa: “Trước đây không có đường thì bà con làm kinh tế rất khó khăn, nhưng bây giờ Nhà nước đã tạo điều kiện giúp cho bà con được đường sá vận chuyển mì, cà phê. Các hộ anh em trong thôn giờ thay đổi dần đó là tôi rất mừng vì có chương trình của Đảng, Nhà nước giúp đỡ cho đồng bào miền núi”.

Ông A Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết thêm: “Đến nay, bà con nhân dân trên địa bàn xã kinh tế ổn định, cuộc sống được cải thiện, an ninh được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, nhân dân tin trưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nên an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.

Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới nằm trên địa bàn 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương dành cho các xã biên giới. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, đường giao thông liên xã, liên thôn cơ bản được đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp kết hợp với hệ thống đường tuần tra biên giới kiên cố, nối liền các thôn, làng dọc biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế. Ông A Toàn, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho hay: “Kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường được đầu tư xây dựng mới, nhiều tuyến đường, hệ thống điện được nâng cấp đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đường liên thôn, đường vào khu sản xuất được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương, cũng như vận chuyển nông sản. Bên cạnh đó trường, trạm cũng được đầu tư về cơ sở vật chất nâng cao chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh cho bà con”.

Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhân dân trên địa bàn các xã biên giới còn được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước; được tham gia tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình.  Trong giai đoạn 2015 – 2020, có hơn 13% hộ nghèo trên khu vực biên giới đã vươn lên thoát nghèo; hơn 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 80% số hộ gia đình có nhà kiên cố. Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nói: “Với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn cơ bản ổn định, các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đạt kết quả cao và nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Công tác chỉ đạo bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, tăng thu nhập được triển khai quyết liệt. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả”.

Ngoài các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn các xã biên giới còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đắc lực của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp xây dựng trên 350 căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây dựng các công trình nước sạch, làm đường bê tông, trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Đồng thời, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp thực hiện có hiệu quả các mô hình, phần việc giúp nhân dân thoát nghèo, như mô hình bò giống cho người nghèo biên giới; mô hình trồng sâm dây, bời lời; nuôi heo lai rừng; mô hình cử cán bộ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp đỡ hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới phát triển sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình… Anh A Biên ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei chia sẻ: “Nếu không có kết nghĩa với anh em trong đồn chắc gia đình không làm được gì, mình không biết là nhận thức rằng về cây ăn trái, cà phê sau này đời sống như thế nào, có anh em trong đồn giúp đỡ tạo điều kiện cho gia đình tôi mới có ngày hôm nay đấy”.

Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết thêm: “Cấp ủy, chỉ huy chúng tôi cũng đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nói chung và quán triệt cho các đồng chí được phân công tham gia kết nghĩa với các hộ nghèo là một việc làm ý nghĩa. Qua đó, thứ nhất là gắn kết được tình cảm quân dân; thứ hai là giúp đỡ các hộ làm kinh tế thoát nghèo; thứ ba là góp phần vào xây dựng nên biên phòng toàn dân vững chắc, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay, có 04/13 xã biên giới, gồm xã Pờ Y, Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 07 – 16 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhân dân các dân tộc ở các xã biên giới luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và chung tay, góp sức cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới ngày một phát triển.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *