(kontumtv.vn) – Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy chính quyền và người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới, xã Măng Ri luôn được sự quan tâm đầu tư của nhà nước để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và những công trình phục vụ dân sinh. Nhờ đó, giúp cho bà con ở 6 thôn đi lại và tăng gia sản xuất thuận lợi hơn; phổ cập giáo dục duy trì hiệu quả. Cảm nhận rõ sự thay đổi của quê hương, ông A Dêr ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nói: “Bây giờ là được sung sướng nhiều hơn, đường xe, trường lớp có hết trong thôn, trong làng, trong xã, đường bê tông từ trong thôn luôn. Nhà nào cũng đi tham gia trường lớp hết, không có ai vắng hết, trong làng nhiều đại học, 11, 12 là có.”

Về kinh tế trên địa bàn xã đến nay có nhiều phát triển. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mô hình cây, con giống mới cho năng xuất, hiệu quả cao. Đến nay, xã đã phát triển được nhiều cánh đồng bậc thang; trồng trên 260 ha cà phê; trên 73 ha cây dược liệu, trong đó cây Sâm Ngọc Linh trên 20 ha. Ngoài ra, bà con cũng bắt đầu có nguồn thu từ việc làm du lịch cộng đồng gắn với du lịch dược liệu. Nổi bật là thôn Pu Tá. Anh A Sinh, thôn trưởng thôn Pu Tá cho biết, thời tiết trong lành cùng bản sắc văn hóa độc đáo, các hộ gia đình trong thôn đều đồng lòng cùng chính quyền làm du lịch. Người dân rất vui mừng khi chuyển đổi kinh tế thành công, đời sống ngày càng nâng cao. Thôn hiện có 60 hộ dân thì chỉ còn 3 hộ nghèo là người già neo đơn. Anh A Sinh vui vẻ chia sẻ: “Phát huy truyền thống làng Pu Tá, làng bây giờ tin cách mạng, đoàn kết vượt khó thoát nghèo bằng cách trồng cà phê, bời lời, sơn tra, cây dược liệu khác nữa như sâm Ngọc Linh, cố gắng xây dựng thôn làng. xóa cái đói, giảm cái nghèo.”

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thời gian qua xã hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, cải thiện đời sống. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn gần 39%. Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng tốt nguồn vốn, vươn lên làm giàu. Tiêu biểu là gia đình chị Y Ấy. Với 2ha cà phê, 5 sào sâm dây và một ít cây Sâm Ngọc Linh, nhờ lao động chăm chỉ mà gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi khang trang nhất thôn Ngọc La, xã Măng Ri. Trong ngôi nhà xây rộng rãi được trang bị khá đầy đủ đồ dùng điện tử thông minh như tủ lạnh đa năng, máy giặt, bếp ga, lò vi sóng, chị Y Ấy phấn khởi cho biết: “Nhà mình xây một cái nhà, mua một cái xe ô tô, nuôi con cái đi học. Mình phải cố gắng trồng dược liệu, sâm sây, lúa, cà phê học theo nhà nước chỉ.”

Dù cuộc sống có nhiều khởi sắc nhưng người dân nơi đây cũng không bao giờ quên những khó khăn trong chiến tranh và thiếu thốn sau ngày giải phóng. Ông A Pia ở thôn Pu Tá cho biết, bản thân bắt đầu đi du kích từ năm 1960. Giai đoạn 1964-1968 ông công tác ở Tiểu đoàn 304 và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện H80 lúc bấy giờ. Trong chiến tranh khốc liệt, ông luôn cùng đồng đội cố gắng vượt núi, băng rừng phục kích tiêu diệt địch. Người dân thôn Pu Tá đều một lòng theo Đảng; tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ vững chắc Khu căn cứ Tỉnh ủy. Ông A Bia bồi hồi nhớ lại: “17 tuổi cõng gạo, nói chung cái gì cũng cõng để phục vụ cho chiến trường,phục vụ cho quân đội mình ở nhà, người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, làm thế nào để cứu nước của mình, đất của mình, không cho mất đất, không cho mất nước của mình.”

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tháng 8/2007, khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đó như niềm tự hào lớn của người dân trên địa bàn xã. Tin rằng bằng sự đoàn kết, đồng lòng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Măng Ri sẽ tiếp tục nỗ lực tạo thêm nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng anh hùng./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *