(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Việc tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, đặc biệt là với các học sinh người DTTS còn gặp khó khăn, hạn chế. Để khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, nhiều trường học ở thành phố Kon Tum đã khéo léo tổ chức các hoạt động, xây dựng nhiều thư viện sách, mô hình đọc sách sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường cũng như từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2022 – 2023, trường Trường Tiểu học Cao Bá Quát ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum có 354 học sinh, trong đó gần 100% là người DTTS. Xác định việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh là một trong những nhiệm vụ, tiêu chí để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường. Cô giáo Doãn Kim Huế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã bố trí các tủ sách rộng khắp khuôn viên trường học, xây dựng nhiều loại hình thư viện khác nhau như Thư viện mini, Thư viện thân thiện, Thư viện xanh… Đồng thời thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi về sách để khuyến khích học sinh đọc sách, yêu sách, muốn làm bạn với sách.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, cuộc thi về sách, trường Tiểu học Cao Ba Quát cũng thường xuyên huy động các nguồn sách hay cho học sinh. Hằng năm, nhà trường trích kinh phí chi thường xuyên để mua thêm sách, truyện cho các em; mỗi thầy cô giáo của nhà trường sẽ đóng góp vào thư viện từ 2 – 3 cuốn sách. Ngoài ra, nhà trường còn kêu gọi, vận động các mạnh thường quân ủng hộ hơn 1.000 đầu sách, báo, truyện bổ sung vào thư viện trường học. Các đầu sách đa dạng, phong phú đã thu hút và tạo hứng thú cho các em học sinh mỗi lần đến thư viện, giúp các em được bổ sung, hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống và học tập. Em Y My, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Cao Bá Quát, thành phố Kon Tum bày tỏ: “Qua những câu chuyện em đã đọc, em cảm thấy nó giúp em mở mang kiến thức, giúp em biết đam mê học tập, biết thương mọi người.

Tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn ở xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum, để giúp các em học sinh tìm được niềm yêu thích với sách, dần hình thành và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, ngoài các tủ sách, kệ sách di động, đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động, cuộc thi, sinh hoạt câu lạc bộ về sách cho các em. Trường Tiểu học Đặng Trần Côn có gần 100% học sinh là người DTTS, để giúp các em phát triển ngôn ngữ và học tốt những môn học, nhà trường đã không ngừng đầu tư, xây dựng những góc đọc thân thiện, các thư viện trong mỗi lớp học hay thư viện xanh để các em có thể vừa học, vừa chơi. Thầy giáo Phạm Đăng Ngôn, Phó Hiệu Trưởng Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết thêm: “Nhà trường đã triển khai gắn với góc địa phương, tạo thành góc đọc thân thiện và một thuận lợi nữa là nhà trường đang triển khai dạy học tiếng Ba Na trong nhà trường, có giáo viên dạy tiếng Ba Na thì đã hỗ trợ rất tích cực cho các em. Qua việc triển khai sách song ngữ này thì học sinh của nhà trường đã hiểu biết thêm văn hóa dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Một trong những bộ truyện được các em học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn yêu thích nhất là bộ truyện tranh song ngữ. Em Y Ngô Thị Thành, học sinh lớp 5A cho hay, mỗi giờ ra chơi hoặc những lúc rảnh rỗi, em và các bạn sẽ đến thư viện của nhà trường để đọc các cuốn truyện tranh song ngữ. Đây không chỉ là niềm vui đến trường mỗi ngày của em mà còn là niềm tự hào dân tộc khi em được đọc, xem những câu chuyện về văn hóa của dân tộc mình.

Bằng những cách làm sáng tạo trong xây dựng các mô hình đọc sách, các trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum đã từng bước thành công trong việc hình thành và lan tỏa tình yêu sách cho học sinh người DTTS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn./.

Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *