(kontumtvv.vn) –  Bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 8 và tuần đầu tháng 9 ghi nhận gần 500 ca bệnh đau mắt đỏ, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, một số trường học trên địa bàn TP. Kon Tum bắt đầu ghi nhận có học sinh bị đau mắt đỏ. Dù chưa thành dịch nhưng các  trường học tổ chức dọn vệ sinh trường lớp và tuyên truyền chống dịch. Trong đó có Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Bà Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi có thông tin về tình hình dịch đau mắt đỏ trong học sinh, nhà trường  nhanh chóng đặt pano trước cổng trường; dán tờ rơi tuyên truyền trước mỗi phòng học; thường xuyên nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh bệnh đau mắt đỏ vào đầu giờ học. Đồng thời nắm bắt tình hình mắc bệnh trong trường vào mỗi buổi sáng. Tính đến ngày 12/9, trường có 60 em bị đau mắt đỏ. Bà Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP. Kon Tum nói: “Nhà trường chỉ đạo cán bộ y tế tìm hiểu và lấy các video tuyên truyền trên trang thông tin chính thống của Y tế về cách phòng bệnh gửi cho các giáo viên chủ nhiệm, rồi giáo viên tuyên truyền trong Zalo phụ huynh học sinh. Đối với những em bị bệnh đau mắt đỏ thì cho các con ở nhà; đi đến các cơ sở y tế để khám, điều trị cho các con để tránh lay lan cho học sinh khác.”

BS CKI Lê Anh Quốc, Phụ trách Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, từ đầu tháng 9, số lượng ca mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao đột biến. Trung tuần tháng 8, khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ tiếp nhận khám, tư vấn khoảng 40 – 50 bệnh nhân đau mắt đỏ trong một ngày, hiện tại số lượng bệnh nhân tăng hơn gấp đôi, với khoảng 100 – 120 bệnh nhân mỗi ngày. Chưa kể những bệnh nhân đến khám các vấn đề khác về mắt và người dân đi khám bệnh ở các cơ sở tư nhân. Bác sĩ Quốc cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ là bệnh Viêm kết mạc cấp tính, thì nguyên nhân gây nên thì do virus hoặc vi khuẩn; nguyên nhân nữa là phản ứng dị ứng, vào thời điểm giao mùa thì khí hậu ẩm ướt dễ gây nên. Bệnh đau mắt đỏ thì nó dễ lây lan và có thể gây ra thành dịch. Đây là bệnh lành tính thôi, nhưng mà đôi khi mình không điều trị hay điều trị sai, thì cũng xảy ra những biến chứng.”

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.900 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi nhận số ca khám, điều trị nhiều nhất với hơn 1.700 bệnh nhân mắc. Để chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế có công văn yêu cầu các cơ sở trực thuộc Sở và các Sở, ngành, địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng. BS CKI Lê Anh Quốc, Phụ trách Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: “Trong cộng đồng, người dân nên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; thứ hai nữa là tránh đưa tay dụi lên mặt, vùng mắt; thứ ba nữa là không dùng khung các đồ dùng cá nhân của các bệnh nhân mà đã bị đau mắt đỏ; thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Khi mà người đã bị mắt đỏ rồi, thì mình hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.”

Ngành chuyên môn khuyến cáo, khi có dấu hiệu của đau mắt đỏ với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt; sau đó cộm, ngứa, sốt. Lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt còn lại, người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn kịp thời và không tự ý mua thuốc điều trị. Bệnh đau mắt đỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *