(kontumtv.vn) – Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc và kháng kháng sinh nhưng do nhiều yếu tố số bệnh nhân bị kháng thuốc vẫn gia tăng trong thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 tại các khoa điều trị thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đều xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Cụ thể, Khoa Nội Tổng hợp có hơn 1,5%; Khoa Nội Tim Mạch có gần 11%; Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc có trên 19%; Khoa Nhi có gần 7% và Khoa Ngoại có trên 11,5% mẫu bệnh phẩm nuôi cấy xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Theo bác sĩ CKII Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, tình trạng kháng thuốc không chỉ gây khó khăn cho khâu điều trị mà còn gây khó cho bệnh viện trong việc mua sắm, dự trữ thuốc kháng sinh vì có những loại vi khuẩn kháng với hầu hết các loại thuốc bình thường và phải dùng những loại thuốc kháng sinh đặc biệt mới điều trị được.

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum phải nhập viện điều trị nhiều lần và mỗi lần nhiều ngày trong thời gian qua là hệ lụy của việc kháng thuốc. Việc điều trị bệnh viêm tiết niệu cho bệnh nhân khó khăn hơn, thời gian kéo dài hơn và phát đồ điều trị cũng phải khác so với bệnh nhân thông thường. Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Tôi vào đây điều trị được bác sĩ khám và bảo bị kháng kháng sinh vì cái bệnh viêm đường tiết niệu. Những lần đau nhẹ cứ mua thuốc uống tự do nó không đủ liều, không đủ ngày nó không bớt được. Bị nặng mới vào đây. Vào đây giờ kháng kháng sinh rồi. Đợt này vào được bác sĩ quan tâm chữa theo phát đồ theo yêu cầu của bác sĩ đến bây giờ cũng đỡ rồi.”

Đáng lo ngại là tình trạng bệnh nhân kháng thuốc và kháng kháng sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum không chỉ diễn ra đối với người cao tuổi mà còn diễn ra với bệnh nhân nhỏ tuổi. Trường hợp hai anh em A Khang và A Khoa bị sốt co giật phải nhập viện cấp cứu do viêm phế quản tại khoa nhi là minh chứng. Chị Y Nga mẹ của hai em cho biết, hai cháu đã nhập viện một tuần nhưng do bị kháng thuốc nên bệnh ít thuyên giảm.

Nếu không may người bệnh rơi vào tình trạng kháng thuốc, việc chữa trị bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn thời gian hơn so với bình thường. Tình trạng bệnh có thể diễn biến nặng hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Bác sĩ CKII Văn Đức Phong, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum khuyến cáo: “Khi gặp tình trạng kháng thuốc bệnh nhân về với cộng đồng tiếp tục mắc những bệnh lý nhiễm trùng thì nên đến khám tại các cơ sở y tế, nên được tư vấn của những bác sĩ về dùng những loại kháng sinh để điều trị những loại nhiễm trùng đó. Đó là cách tốt nhất. Nếu bệnh nhân vẫn giữ thói quen cũ như tự ý đi mua kháng sinh, tự ý dùng những loại kháng sinh trước đây từng dùng thì rất là nguy hiểm.”

Nguyên nhân kháng thuốc và kháng kháng sinh xuất phát từ việc người bệnh tự ý mua kháng sinh điều trị, không tuân thủ phát đồ điều trị của bác sĩ và một số trường hợp lạm dụng kháng sinh trong điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, việc người dân sử dụng thức ăn như thịt gia súc, gia cầm có tồn dư thuốc kháng sinh trong chăn nuôi cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết việc sử dụng kháng sinh cho gia súc, gia cầm cần phải đúng quy định, thời điểm xuất chuồng phải bảo đảm không có dư lượng kháng sinh để người tiêu dùng sử dụng an toàn, tránh được tình trạng kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con người, đến công tác phòng, chống dịch bệnh và làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của đất nước. Để việc phòng chống kháng thuốc hiệu quả bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế rất cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng./.

 Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *