(kontumtv.vn) – Đến hết năm 2021 tỉnh Kon Tum có 148 sản phẩm OCOP được công nhận từ 03 sao trở lên. Trong đó có 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia; 20 sản phẩm đạt 04 sao; 127 sản phẩm đạt 3 sao. Để phát huy kết quả đạt được, đồng thời tìm ra giải pháp để phát triển các sản phẩm đặc trương thành sản phẩm hàng hoá và hình thành sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và huyện Đăk Tô đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum” .

Hội thảo được tổ chức vào sáng 21/4, tại huyện Đăk Tô. Tham dự hội thảo có 85 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các địa phương trên địa bàn tỉnh và các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Ông Đặng Thanh Long –Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: “Hội thảo lần này là chúng ta thấy được những khó khăn, vướng mắc về thể chế, về chính sách về sự phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện. Hy vọng rằng chúng ta tìm ra được vấn đề chung để chúng ta kiến nghị với cấp có thẩm quyền để chúng ta tháo gỡ làm thế nào đó để cái việc nâng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu để chúng ta tiêu thụ mạnh nhất, và cái chính xét đến cùng là để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện”

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá về thực trạng các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh nói chung, của huyện Đăk Tô nói riêng; về định hướng phát triển sản phẩm để có chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm chủ lực của huyện; vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong phát triển sản phẩm đặc sản địa phương; gắn kết những nơi sản xuất sản phẩm đặc sản với du lịch. Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Bà  Lương Thị Mỹ Huệ – Giám đốc Công ty Thảo dược Tây Nguyên bày tỏ: “Đến với Hội nghị này, thông qua ý kiến đóng góp của các đi biểu, của các đoàn thể cũng như doanh nghiệp, tôi mong muốn tìm ra giải pháp tốt nhất và qua đó nhà nước cũng có định hướng cụ thể và có những hỗ trợ cần thiết nhất để giúp cho các doanh nghiệp, các chủ thể tự tin phát triển sản phẩm OCOP cũng như đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng nhanh hơn, ổn định hơn và chất lượng hơn trong thời gian đến.

Còn ông Nguyễn Văn Quyết – Giám đốc Hợp tác xã Nhân Hòa, thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô cho hay: “Là một trong những đơn vị đang phát triển sản phẩm OCOP chúng tôi hy vọng được gặp gỡ, trao đổi với các chủ thể đã hoàn thành được sản phẩm OCOP và được tiếp cận  thông tin của các ban ngành và Hiệp hội KH-KT để có thêm một động lực mạnh mẽ và cơ sở khoa học để mình làm sản phẩm này cho tốt và sớm hoàn thành được”.

Hội thảo lần này cũng là dịp để tập hợp và gợi mở những vấn đề nghiên cứu mới, những giải pháp thu hút nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP ở địa phương./.

                                                                   Thanh Tùng – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *