(kontumtv.vn) – Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre. Đặc biệt, trong 7 dân tộc tại chỗ của tỉnh Kon Tum có dân tộc Rơ Măm là một trong 5 dân tộc thiểu số ít người nhất Việt Nam. Dân tộc Rơ Mâm sinh sống chủ yếu ở Làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy. Như các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, dân tộc Rơ Măm có những bản sắc văn hóa riêng. Và trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa người dân tộc thiểu số, trong những năm qua các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Rơ Măm.

 Cuối năm 2022 vừa qua, được sự hỗ trợ của Bảo tàng – Thư viện tỉnh, người dân làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy rộn ràng tổ chức lễ Mở kho lúa mới. Với người trẻ tuổi, đây là dịp để họ hiểu hơn về lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Anh A Thái chia sẻ: Lễ hội này cũng lâu lắm rồi chưa phục dựng lại, tự vì hàng năm sau khi thu hoạch lúa về bỏ kho người ta không có điều kiện chỉ dùng con vật nhỏ như heo, gà để cúng thôi mà mấy năm nay chưa có điều kiện để cúng. Và hôm nay được sự quan tâm của Sở Văn hóa có Bảo tàng tỉnh Kon Tum hỗ trợ để phục dựng lại lễ hội mở kho lúa của người Rơ Mâm thì đối với bà con ở đây thì tư khi nghe tin đến khi thực hiện thì hiện tại đã thực hiện bà con rất là mừng, rất là phấn khởi.

Lễ Mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất của dân tộc Rơ Măm. Trong đời sống của người Rơ Măm, cùng với nhiều lễ hội như lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới… thì các nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp từ trỉa lúa, lúa lên, thu hoạch lúa, mở cửa kho lúa… vẫn được người Rơ Măm gìn giữ và duy trì đến tận ngày nay. Trong đó, lễ Mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất đánh dấu sự kết thúc của một chu kì sản xuất lúa rẫy.

Do chủ yếu dựa vào nguồn lương thực chính là lúa nên đối với người Rơ Măm, kho lúa không thể thiếu trong mỗi gia đình. Bởi đó là nơi cất giữ nguồn lương thực chính nuôi sống cả gia đình trong suốt một năm. Hàng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kĩ trong kho, người Rơ Măm lại tổ chức lễ Mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng có được một vụ mùa bội thu.

Trong lễ hội, người Rơ Măm phân công công việc cho từng người, từng gia đình. Nhóm thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm việc sửa chữa nhà rông, nhóm khéo tay hơn sẽ được phân công làm và trang trí cây nêu. Trong Lễ mở cửa kho lúa, người Rơ Măm sẽ làm 3 cây nêu với kích thước dài, ngắn khác nhau tùy theo vật hiến sinh.

Những năm gần đây, lễ Mở cửa kho lúa đã được dân làng tổ chức đơn giản hơn trước, chính vì vậy, việc phục dựng lễ hội này đã được người Rơ Măm ở làng Le đồng tình hưởng ứng. Anh A Minh bày tỏ: “Em là người trẻ, tuy bản thân không tham gia cúng lúa, cúng bái này kia nhưng hôm nay được mắt thấy tai nghe, thấy được của việc lễ hội hoặc việc cúng bái này kia của làng Le để có thể giữ gìn lại bản sắc văn hóa của dân tộc.

Các lễ hội của dân tộc Rơ Măm mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của thế hệ trước. Nhiều loại hình dân gian được huy động tham gia vào lễ hội này như đánh cồng chiêng, xoang. Vì vậy lễ hội tạo tính đoàn kết cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm văn hóa của người Rơ Măm nói riêng và kho tàng văn hóa của Việt Nam nói chung. Ông Ngô Công Phương – Bí thư Đảng ủy xã Mo Ray cho biết sẽ tập trung chỉ đạo để tiếp tục phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa hiện có của người Rơ Mâm.

Hiện nay, Bảo tàng – Thư viện tỉnh đang triển khai Kế hoạch khôi phục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm tại Làng Le. Chính vì vậy, thời gian qua cùng với việc triển khai các hoạt động nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, sưu tầm truyện cổ, đơn vị đã chú trọng tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của người Rơ Măm. Bà Đỗ Thị Thanh Thủy – Giám đốc Bảo tàng – Thư viện tỉnh cho biết: “Để phục dựng lễ hội, chúng tôi chọn phục dựng lễ hội mở cửa kho lúa là vì thứ nhất thời điểm chúng tôi được giao nhiệm vụ vào thời điểm cuối năm là lúc này phù hợp với lễ mở cửa kho lúa sau khi người dân đã thực hiện toàn bộ thu hoạch lúa trên rẫy. Chúng tôi cũng đã tiến hành hỗ trợ cho cộng đồng để cộng đồng có thể tổ chức lễ hội đúng bản sắc văn hóa truyền thống.

Lễ Mở cửa kho lúa là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc thể hiện nét văn hóa riêng, độc đáo của người Rơ Măm ở làng Le. Lễ hội là dịp người dân vui chơi sau một vụ mùa vất vả; là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, lễ  mở cửa kho lúa còn chứa đựng những khát vọng, ước muốn có cuộc sống ấm no và một vụ mùa bội thu./.

Thanh Tùng Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *