(kontumtv.vn) – Thời gian qua, tỉnh Kon Tum chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tỉnh Kon Tum có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xê Đăng, Ba Na, Giẻ – Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Qua đó, tạo cho địa phương sự đa sắc màu văn hóa, với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo. Với nỗ lực của các cấp ngành và Nhân dân, công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Về công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, đến nay tỉnh có khoảng 2.270 bộ cồng chiêng; có 434 nhà rông, trong đó có 182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống. “Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, từ đây đến năm 2025 đảm bảo 100% đồng bào DTTS có cồng chiêng, cũng như là nhà rông; tiếp tục tổ chức các hoạt động Liên hoan văn hóa dân gian các DTTS để tạo điều kiện cho người dân ĐBDTTS đang nắm giữ các di sản văn hóa họ có điều kiện giao lưu, trao đổi thực hiện công tác bảo tồn, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết.

Nhờ đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa truyền thống tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người DTTS tại chỗ sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, tỉnh tổ chức trên 140 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang. Nhiều thôn, làng người DTTS thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang và tích cực tập luyện mang đến những tiết mục chất lượng khi tham gia hội thi các cấp. Già làng A Wơh ở thôn Đăk Blái, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi phấn khởi nói: “Ngày xưa bà con còn khó khăn, chưa có cồng chiêng. Giờ thì Đảng và nhà nước quan tâm cho làng Đăk Blái của chúng tôi có một bộ cồng chiêng, nhà rông thật là kiên cố, rồi quần áo mặc truyền thống, tới đây chúng tôi tiếp tục để bà con, con cháu noi theo, học tập bản sắc truyền thống dân tộc.”

Nghề thủ công truyền thống có sự gắn kết chặt chẽ với những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Kon Tum, các DTTS tại chỗ còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống… Điển hình, tại phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum có 2 HTX dệt thổ cẩm truyền thống với 265 thành viên. Để duy trì truyền dạy nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng, bà Phùng Thị Y Thảo,  Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền qua các cuộc họp, buổi hội nghị, chào cờ tại 3 thôn làng DTTS. Ngoài ra, phường Thắng Lợi chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan thúc đẩy giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của bà con nơi đây.

Hiện nay, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hơn 12.100 người. Bên cạnh công tác bảo tồn nghề truyền thống, tỉnh còn  đẩy mạnh công tác kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các DTTS tại chỗ. Riêng năm 2023 di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng đối với các dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong đó, góp phần thể hiện thành phần dân tộc; tăng cường tinh thần đoàn kết; phát huy sự sáng tạo của cộng đồng các dân tộc… Đặc biệt, văn hóa truyền thống đang trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện qua chuyển biến đi lên của hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *