(kontumtv.vn) – Cũng như bao cộng đồng người DTTS khác tại Tây Nguyên, Nhà rông là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng các DTTS tại huyện Đăk Hà. Nhận thức rõ vấn đề này, huyện Đăk Hà luôn coi trọng công tác bảo tồn, gìn giữ nhằm phát huy những giá trị của nhà rông truyền thống. Qua đó, vừa giữ được những tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số, vừa tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Với mỗi người con dân tộc Xê Đăng tại làng Kon Rôn, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, nhà rông truyền thống của thôn vừa là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, vừa là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tinh thần của các thế hệ ông cha đi trước đã cố công gìn giữ. Cho dù đi đâu, làm gì, người dân đều mang theo niềm tự hào về “ngôi nhà chung” hùng vĩ, bao năm vẫn giữ được nét truyền thống…

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, niềm vui của hơn 200 hộ người DTTS Xê Đăng tại làng Kon Rôn, xã Ngọk Réo như được nhân đôi khi Nhà rông truyền thống của thôn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau gần hai tháng thi công. Nhà rông có chiều dài 22m, rộng 13m, cao 20m. Để đảm bảo giữ nguyên bản Nhà rông truyền thống của người Xê Đăng, thôn tổ chức họp lấy ý kiến của già làng, người có kinh nghiệm để thống nhất quá trình thi công. Từ việc lựa chọn vật liệu tự nhiên đến trang trí, hoàn thiện các chi tiết, hoa văn theo đúng truyền thống… tất cả đều được sự thống nhất của cộng đồng trước khi tiến hành chọn ngày khởi công. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Nhân dân trong thôn đã đóng góp 41 triệu đồng và gần 3.000 ngày công để thi công. “Những người già làng, người có uy tín ở đây thì họ rất là tận tâm. Bởi vì họ truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống của người Tơ Đ’rá đấy, họ chỉ bảo rất tận tình. Ví dụ như từng nút dây mây, rồi từng kẽ hở của các nút thắt, tùng chi tiết một… mình phải làm thật chu đáo thì nó mới có được như ngày hôm nay”, anh U Nam Huế – Trưởng thôn Kon Rôn chia sẻ.

Là xã có trên 90% người DTTS, chủ yếu là người Xê Đăng, xã Ngọk Réo hiện bảo tồn được 8 nhà rông truyền thống. Hầu hết các Nhà rông đều giữ được vẻ đẹp nguyên bản với các vật liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, xã thành lập và duy trì đội cồng chiêng – xoang các lứa tuổi tại tất cả các thôn; chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ các nghi lễ truyền thống. Bà Phạm Thị Mây – Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo cho biết trong thời gian tới, xã sẽ tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình MTQG để hỗ trợ các thôn làm nhà rông truyền thống. Bên cạnh đó, xã chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có y tín, các nghệ nhân trong việc truyền dạy lại các giá trị văn hóa để đảm bảo gìn giữ được nét nguyên bản của nhà rông của người DTTS tại chỗ. Điều đáng mừng hơn, hầu hết thế hệ trẻ trên địa bàn đều nhận thức và biết trân quý, gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông để lại.

Huyện Đăk Hà hiện có trên 42.400 người dân tộc thiểu số của 28 dân tộc anh em đang sinh sống. Đến nay, huyện bảo tồn gần 60 nhà rông truyền thống tại các thôn người DTTS. Trong đó, có trên 20 nhà rông làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên, đảm bảo nguyên bản của người DTTS Xê Đăng và Banah. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn cho Nhân dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, họp thôn và tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Bà Phạm Thị Thương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Huyện đã ưu tiên và lồng ghép nhiều nguồn lực từ ngân sách huyện và các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ thanh thiếu niên. Tổ chức các hoạt động giao lưu cho các thanh thiếu niên là hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ truyền thống ở các thôn của mình. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các nghệ nhân tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa dân gian trong và ngoài tỉnh.”

Trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Nhà rông là một thực thể kết nối cộng đồng người gắn với thiên nhiên. Cùng với thực hiện các Đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, công tác nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của nhà rông đang được huyện Đăk Hà chú trọng. Qua đó, góp phần bảo tồn những nét đẹp đáng trân trọng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *