(kontumtv.vn) – Nhằm giúp học sinh khuyết tật hòa nhập trong môi trường học đường và cộng đồng, thời gian qua, tùy vào tình hình cụ thể, mỗi trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum có những giải pháp riêng, phù hợp với tình hình học sinh khuyết tật; song tất cả đều hướng đến mục tiêu quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện giúp học sinh khuyết tật phát triển kỹ năng sống để có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

“Thường thì ở trên lớp mỗi lần ra chơi các bạn lúc nào cũng chơi với con, luôn cõng con, giúp con mọi thứ. Thầy cô luôn hướng dẫn giúp con làm bài tập đẩy đủ, cả những bài khó nữa. Con thích đến lớp vì được học nhiều bài hay, được vui chơi cùng các bạn trong lớp”, đây lời kể của em Nguyễn Thị Mai Phương, học sinh lớp 6D, Trường TH-THCS Ia Chim, thành phố Kon Tum. Em bị bại liệt từ nhỏ. Dù đôi chân không tự đi lại được, song em rất thích đi học. Em thích đến trường vì thầy cô, bạn bè luôn quan tâm, giúp đỡ và em không cảm thấy tự ti với đôi chân của mình. Thầy giáo Lê Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Ia Chim cho biết được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em Mai Phương có tinh thần học tập tốt, kết quả học tập thuộc diện khá trong trường. Đặc biệt, em tham gia tất cả các hoạt động do nhà trường phát động và tổ chức, như tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM của thành phố sản phẩm do em và một bạn nữa cùng làm được đánh giá rất cao.

Những năm gần đây, trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Kon Tum đi học tại các trường học ngày càng tăng. Có được kết quả này là nhờ các trường  luôn chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật.

Điểm trường khuyết tật thuộc Trường Tiểu học Quang Trung, TP Kon Tum có 42 học sinh học ở 5 lớp. Mỗi lớp học có từ 5 đến 10 học sinh. Để dạy các em, giáo viên phải hiểu đặc điểm của học sinh để áp dụng hình thức lên lớp khác nhau. Điển hình như tại lớp 5K1, lớp chưa đến 10 học sinh và mỗi học sinh có một dạng khuyết tật khác nhau. Em bị khiếm thính, em bị khuyết tật trí tuệ, em bị khuyết tật vận động. Chính vì vậy, trong mỗi tiết dạy, cô giáo phải dùng cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ kí hiệu. Để các em tiếp thu được bài giảng đòi hỏi cô giáo phải có sự nỗ lực rất lớn. Cô giáo Lương Thị Hồng Phượng, giáo viên Chủ nhiệm lớp 5K1 chia sẻ: “Tôi đã xây dựng kế hoạch dạy học cá nhân từng đối tượng học sinh, ví dụ học sinh khiếm thính thì xây dựng như thế nào, học sinh thiếu trí tuệ thì mình xây dựng như thế nào, mỗi em có một phương pháp dạy học khác nhau, không em nào giống em nào. Chúng tôi đã được tập huấn nhưng cũng còn phải học thêm về ngôn ngữ kí hiệu. Hàng ngày chúng tôi phải học trên Đài Truyền hình VTV2 dạy kí hiệu khiếm thính rồi học sách vở để cố gắng làm sao các em được giao tiếp tốt, trao đổi được với cô giáo thì các em mới học đạt kết quả cao.”

Cô giáo Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP. Kton Tum cho biết thêm: “Với các cháu học ở điểm chuyên biệt này cũng như học hòa nhập thì nhà trường đã quan tâm xây dựng một chương trình dành riêng cho trẻ khuyết tật có giảm nhẹ hơn so với chương trình của các cháu đang học bình thường. Đặc biệt quan tâm nhiều đến kỹ năng tự phục vụ và các kỹ năng thiết yếu trong xã hội.”

Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có 270 học sinh khuyết tật, trong đó có hơn 40 học sinh học điểm trường khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ tỉnh và do giáo viên trường Tiểu học Quang Trung phụ trách giảng dạy. Hơn 220 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các trường thuộc địa bàn các xã, phường. Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp học sinh khuyết tật hòa nhập trong môi trường học đường và cộng đồng. Ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo các trường triển khai công tác giáo dục theo văn bản của các cấp, vận động tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có thể tham gia học tập, tạo môi trường học tập thuận lợi nhất, quan tâm giúp đỡ cho các em trong học tập và rèn luyện. Ngoài ra, các trường thực hiện tốt việc đảm bảo chế độ, chính sách cho trẻ khuyết tật và giá viên dạy cho học sinh khuyết tật.

Xác định trẻ khuyết tật là đối tượng cần sự quan tâm đặc biệt, chính vì vậy trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Kon Tum luôn quan tâm triển khai tốt công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố đến trường, được học tập, tham gia mọi hoạt động bình đẳng như các học sinh khác. Qua đó giúp cho trẻ em khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống cộng đồng, xóa bỏ tự ti, vươn lên trong cuộc sống./.

Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *