(kontumtv.vn) – Đâu là nguyên nhân dẫn tới những sự việc gây mất an ninh trật tự sân bay và chế tài nào đủ mạnh để siết chặt các hành vi này?

Những ngày vừa qua, dư luận đã phản ứng kịch liệt và bày tỏ sự bất bình trước vụ việc một nữ hành khách, là cán bộ công tác tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã mắng chửi thậm tệ nhân viên quầy làm thủ tục hành lý tại nhà ga quốc nội, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hành vi này không chỉ gây náo loạn sân bay mà còn uy hiếp đến an ninh hàng không. Tuy nhiên, điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc hành khách gây rối, xúc phạm, hành hung nhân viên tại các cảng hàng không. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới những sự việc đáng tiếc này? Siết chặt các hành vi mất an ninh trật tự sân bay, chế tài nào đủ mạnh?

siet chat cac hanh vi mat an ninh trat tu san bay: che tai nao du manh? hinh 1
Nữ đại úy Lê Thị Hiền gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh cắt từ clip

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của những hành vi gây rối và hành hung nhân viên hàng không, dưới góc độ pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, những hành vi này khá nghiêm trọng.

“Mỗi địa điểm công cộng đều cần được đảm bảo an ninh, đặc biệt đối với các cảng hàng không. Chúng ta thấy thời gian gần đây có rất nhiều sự việc gây thương tích với nhân viên hàng không.Tôi cho rằng, tất cả các hành vi gây rối ở cảng hàng không là những hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Trước câu hỏi, làm thế nào để ngăn chặn những hành động tương tự? Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, đây là câu hỏi mà dư luận đặt ra, rất bức xúc và có lẽ chúng ta phải nhìn ở cả góc độ chế tài và ý thức của người dân trong việc này.

Thứ nhất là vấn đề ý thức. Hầu hết những người gây rối ở sân bay đều là người có một chút chức vụ, quyền hạn và họ đang bị ảo tưởng về mặt sức mạnh bản thân.

“Có một chút quyền lực nào đấy hay là bố mẹ có quyền lực dẫn đến việc ai cũng phải phục tùng, tức là tư duy phục tùng những người có tiền, có quyền vẫn tồn tại”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ hai là vấn đề chế tài, rõ ràng chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh. “Tôi thấy ở một số quốc gia, trên sân bay tuyệt đối an toàn và không có bất kỳ một hành động nào có thể gây hại đối với người khác hoặc an toàn bay, nếu có sẽ lập tức bị khống chế ngay. Ở Việt Nam có những sự việc diễn ra rất lâu mới có sự xuất hiện của lực lượng an ninh ở sân bay”.

Trong câu chuyện hành khách Lê Thị Hiền vừa qua bị xử phạt 200.000 đồng, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, chế tài xử phạt hiện nay còn nhiều điểm hạn chế. Vị luật sư này cho biết, có rất nhiều bạn hỏi ông, nếu phạt 200.000 đồng thì danh dự, nhân phẩm của con người ở thời điểm hiện nay có rẻ quá, chưa xét đến góc độ an ninh. Bởi, chúng ta nhìn thấy cường độ chửi bới, cách thức thực hiện hành vi gây rối rất lớn.

Ngoài hành vi xúc phạm nhân viên của hãng hàng không ra thì còn cả câu chuyện đối với các nhân viên an ninh. “Tôi thấy có nhiều hành vi như giật tóc, cố ý gây thương tích tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ. Theo pháp luật Việt Nam thì tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm chúng ta quy định từ Hiến pháp là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, xâm phạm như vậy rồi một cách nhanh chóng không cần xác minh đã ra luôn một quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng. Có hay không việc bao che hay là cố tình xử phạt cho qua”, luật sư Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Phải chăng trong câu chuyện này chúng ta không có sức ép từ dư luận và cộng đồng mạng thì có lẽ câu chuyện này chỉ dừng ở mức độ như thế? Trả lời câu hỏi này, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng: “Đúng là ở thời điểm này chúng ta có những sức ép đến từ cộng đồng, từ mạng thì mới có cách phản ứng nhanh như vậy. Tuy nhiên, cách phản ứng nhanh nhưng phải đúng, chúng ta thấy rõ ràng nhanh nhưng không đúng. Bởi vì, đồn Nội Bài ngay lập tức ra quyết định xử phạt 200.000 đồng, nếu vụ việc có nhiều tình tiết như này chúng ta hoàn toàn có thể xác minh vụ việc và xử phạt trong vòng 7 ngày. Tại sao lại phải nhanh chóng đến mức mà làm việc xử phạt 200.000 đồng làm tăng thêm phản ứng từ dư luận”.

Đề cập đến giải pháp để có thể chấm dứt những hành vi gây rối an ninh trật tự ở sân bay, theo vị luật sư này, cần có những thay đổi về cách xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, sau khi đối chiếu các hành vi vi phạm với các quy định của pháp luật, bản thân ông thấy thấy cơ quan nhà nước đang xử lý mang tính chất nương nhẹ.

“Đối với hành vi gây rối ở sân bay, xử phạt theo Nghị định 162 là lên tới 5 triệu đồng và với hành vi hành hung nhân viên sân bay thì theo Nghị định 162 là xử lý lên tới mức 10 triệu đồng. Ngoài hành vi gây rối của người vi phạm thì cách xử lý của cơ quan nhà nước cũng là cách mà tiếp tục gây bức xúc cho người dân”, ông Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Trần Tuấn Anh cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo con người để có thể thay đổi hành vi và hạn chế các hoạt động gây mất an ninh trật tự ở sân bay: “Nếu chúng ta đào tạo các con người tốt, rõ ràng trong lực lượng sẽ không có người như đại uý Hiền. Chúng ta đào tạo được con người tốt, nghiệp vụ tốt thì không để cho một sự việc gây rối diễn ra ở sân bay, một vị trí rất nhạy cảm về mặt an ninh và hình ảnh của quốc gia mà chúng ta không có cách để xử lý…”.

Để những quy định xử phạt khi áp dụng trong cuộc sống có sức răn đe, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta cần có những điều chỉnh về lực lượng an ninh sân bay: “Hiện nay lực lượng an ninh sân bay của chúng ta là lực lượng tự thân của Tổng công ty hàng không và mang tính chất dân sự. Lực lượng an ninh sân bay không được đào tạo chính quy, bài bản, tinh nhuệ, không phải lực lượng vũ trang, thậm chí không được xử phạt dẫn đến việc đôi khi có sự nhờn luật. Tôi cho rằng, những người gây rối là những người có hiểu biết rằng lực lượng an ninh sân bay không xử phạt được mình như lực lượng công an./.

Thanh Hương/VOV2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *