(kontumtv.vn) – Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối với nam đủ 20 tuổi, đối với nữ đủ 18 tuổi thì được phép kết hôn; Luật cũng quy định rất rõ những người trong cùng dòng họ không được phép kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nam, nữ kết hôn trước tuổi quy định; kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ vẫn còn tồn tại ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống, chất lượng dân số.

Qua rà soát, đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh có hơn 2.400 cặp kết hôn. Trong đó, có gần 90 cặp tảo hôn. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh có hơn 1.300 cặp kết hôn, trong đó có 24 cặp tảo hôn và 01 cặp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, trên thực tế con số này nhiều hơn. Tình trạng tảo hôn hiện tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, khó khăn của 2 huyện Sa Thầy và Kon Plông.

Em Y.K ở thôn K Đin, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy năm nay 17 tuổi nhưng đã kết hôn và có con 1 tuổi. Chồng em là người cùng thôn, quen nhau lúc còn học cấp 3. Kết hôn sớm, 2 vợ chồng thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, hiện cả hai đang sống nhờ gia đình bên vợ. Chồng em Y.K thường xuyên đi chơi, uống rượu khiến cuộc sống hết sức khó khăn. “Bố mẹ bảo chồng đi làm nhưng mà chồng không đi làm, suốt ngày ở nhà đi chơi, cháu cũng buồn bực lắm, nói miết cũng không nghe, giờ đang đi chơi rồi uống rượu”, em Y.K buồn bã.

Cách nhà em Y.K không xa, em Y.T ở cùng thôn năm nay 16 tuổi đã nghỉ học để kết hôn vì có thai ngoài ý muốn. Vừa học hết lớp 10 nên những kiến thức về hôn nhân, sức khỏe sinh sản hay tiêm chủng em chưa nắm rõ.

Việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, cơ thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: “Vấn đề tảo hôn để lại rất nhiều hệ quả khó khăn, ví dụ về sức khỏe, đối với người mẹ chưa đủ thể chất để sinh con nên sinh con ra dễ sinh dị tật, còi cọc, từ đó dẫn đến chất lượng dân số bị suy giảm. Thứ hai nó để lại vấn đề đói nghèo, từ đó là vấn đề an sinh xã hội cũng phải đầu tư mạnh mẽ hơn, vấn đề tảo hôn để lại những phong tục hậu quả, tập quán rất là nặng nề cho đồng bào/

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã và đang gây ra nhiều bi kịch, hệ lụy trong vùng dân tộc thiểu số. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, đòi hỏi các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục và sự chung tay của các cấp ngành để nâng cao nhận thức cho người dân, ngăn chặn tình trạng này./.

                               Đăng Huy – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *