(kontumtv.vn) – Với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng lao động nông thôn có tay nghề và nâng cao hiệu quả lao động, đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn lao động cho thị trường, thời gian qua huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã có nhiều giải pháp coi trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong  thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Hơn 20 người trong lớp học trồng nấm đang chăm chú lắng nghe bà Võ Thị Xuân Hiếu (thôn Nghĩa Dũng, xã Sa Nghĩa) truyền đạt những kỹ thuật về trồng và chăm sóc nấm bào ngư. Nếu không hỏi, ai cũng nghĩ bà là giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sa Thầy. Qua trao đổi bà cho biết, cách đây 7 năm bà là học viên của lớp đào tạo nghề trồng nấm do huyện tổ chức và hôm nay bà với tư cách là người tham gia truyền đạt kinh nghiệm. Nhờ học nghề trồng nấm, gần 10 năm nay, gia đình bà Hiếu có thu nhập ổn định.Bà Hiếu chia sẻ: “Năm 2013 mình làm nhưng nhỏ lẻ thôi, tháng thu nhập cho gia đình cỡ 3 triệu. Mình thấy kinh tế cũng đạt hiệu quả và phù hợp với sức khỏe của mình, thu nhập mỗi tháng bữa nay khoảng 10 triệu. Được sự quan tâm của huyện, xã  cho lớp đào tạo nghề cho chị em. Mình cũng muốn mở rộng ra để cho chị em hiểu biết về nghề nấm và làm như mình. Toàn bộ kinh nghiệm mình đã biết được mình cũng truyền lại cho chị em trong lớp này”.

Sa Thầy là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn, với gần 12.000 ha, chiếm trên 65% diện tích cây lâu năm của huyện. Phần lớn người dân còn thiếu kiến thức về trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su. Trong đó gia đình chị Y Tử ở làng Răk, xã Ya Xiêr cũng không tránh khỏi những lỗi phổ biến như cạo mủ không đúng kỹ thuật dẫn đến vườn cây giảm năng suất, chưa chú trọng đầu tư chăm sóc cây trồng. Từ khi tham gia lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su, chị đã nâng cao kiến thức và áp dụng hiệu quả trong sản xuất của gia đình.

Mười năm qua, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Sa Thầy đã có nhiều giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Hàng năm huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, lập nhu cầu đăng ký học nghề sát với nhu cầu thực tế của từng địa phương như nghề trồng và chăm sóc cao su, cà phê, cạo mủ cao su, trồng nấm, làm chổi đót, thợ nề… Với vai trò, nhiệm vụ được giao thời gian qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề. Ông Nguyễn Đăng Sao, Giám đốc trung tâm này cho biết: “Trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng cho người dân, thực hiện nhiệm vụ đào tạo lý thuyết không quá 20%, chủ yếu đi vào thực hành. Trong quá trình thực hành vừa kết hợp ôn lại lý thuyết cho bà con để bà con nắm bắt được toàn bộ khâu. Thầy giáo phải tận tình, chủ yếu là thực hành cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho họ từ lúc chưa biết gì đến lúc họ kết thúc khóa đào tạo là họ nắm bắt được toàn bộ khâu kỹ thuật để họ làm chủ được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào công việc của mình”.

10 năm qua, huyện đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo hơn 2.300 lao động, trong đó ĐBDTTS chiếm trên 70%. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt gần 49% và có gần 96% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên sau khi được học nghề thông qua hình thức tự tạo việc làm tại địa phương và tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Về hiệu quả của chính sách đào tạo nghề trên địa bàn, ông A Hmão, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho biết: “UBND xã Ya Xiêr phối hợp bên Trung tâm Dạy nghề mở nhiều lớp đào tạo nghề. Bà con khi học về họ áp dụng vào làm kinh tế gia đình, xóa được đói, giảm được nghèo, hàng năm xã Ya Xiêr giảm được 15% – 20% hộ nghèo”.

Qua công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là lao động là người DTTS đã nắm bắt được các kỹ năng thực hiện nghề nghiệp của mình. Từ năm 2010 đến nay đã có hơn 130 gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo. 120 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá.

 CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *