(kontumtv.vn) – Hằng năm, có hàng trăm dự án nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia các cuộc thi KHKT. Qua đó, giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, nâng cao chất lượng học tập.

Năm học 2021-2022, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh có 182 dự án, tăng 39 dự án so với năm học 2020-2021. Trong đó, Dự án “Cải tiến tiếng đàn Ching-Kram của người DTTS ở Kon Tum” thuộc lĩnh vực KHXH và hành vi của nhóm em Phan Ny và A Liêu ở trường THPT Trường Chinh, thành phố Kon Tum đã đạt giải Nhất. Theo em Phan Ny, bộ Ching-Kram hay gọi là Chiêng tre, nguyên thuỷ gồm 6 thanh chiêng, 6 ống cộng hưởng rời rạc. Dù có lợi thế nghiên cứu về loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Banar mình nhưng các em vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, sản phẩm mang tính kì công từ khâu chuẩn bị ống lồ ô già, chế tạo thanh chiêng, thẩm âm đến lắp ráp. Em Phan Ny, lớp 12A2, trường THPT Trường Chinh, thành phố Kon Tum cho biết về ý tưởng chọn sản phẩm: “Chúng em đều có niềm đam mê nhạc cụ từ rất là nhỏ nên ấp ủ rất lâu và đàn Ching-Kram là một loại nhạc cụ văn hoá lâu đời, tuy nhiên, hiện nay đàn đang dần bị mai một với niềm trăn trở có thể thu hút được mọi người thì sự hướng dẫn tài tình của giáo viên hướng dẫn, động viên, khích lệ của nhà trường chúng em đã quyết tâm cải tiến đàn Ching-Kram”

Đàn Chinh- Kram sau khi được các em cải tiến hoàn chỉnh có 14 thanh chiêng, 14 ống cộng hưởng. Theo đó, khắc phục được các hạn chế của đàn Ching- Kram trước đây. Đặc biệt, chất lượng âm thanh nâng cao nên đàn có thể biểu diễn từ thôn, làng bình dị đến sàn diễn nghệ thuật bằng nhiều hình thức linh hoạt, sinh động và giàu tính biểu cảm hơn. Đồng hành cùng học sinh trong suốt 5 tháng triển khai dự án, cô giáo Giã Thị Tuyết Nhung, Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, trường THPT Trường Chinh, thành phố Kon Tum nói: “Từ quá trình hình thành ý tưởng cho đến hoàn thành sản phẩm, nhiều lúc em gặp khó khăn, bế tắc, bản thân tôi và các thầy cô luôn là cầu nối tri thức để cung cấp cho các em nguồn tài liệu để tham khảo, mở mang những kiến thức đồng thời để các em có những cái tư duy, sáng tạo đổi mới trong quá trình hoàn thiện sản phẩm”.

Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là điểm sáng trong phong trào sáng tạo KHKT với bề dày thành tích nổi bật. Trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2021-2022 vừa qua, Dự án “ Nhận diện một số sâu bệnh thường gặp trên cây cà phê qua hình thái của lá” của em Nguyễn Quang Trường, lớp 12 chuyên Toán đã xuất sắc giành giải Ba. Sản phẩm từ Dự án có khả năng nhận diện sâu bệnh tương đối chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. Em Nguyễn Quang Trường cho biết, giải pháp nhận diện sâu bệnh hại này ngoài cây cà phê còn có thể áp dụng cho các loại cây trồng khác. Mặc dù là năm học cuối cấp THPT nhưng em vẫn sắp xếp thời gian để thực hiện đam mê nghiên cứu KHKT và đạt được kết quả cao. “Để làm việc như vậy tất nhiên là có đam mê để mình tiếp tục hoàn thiện cái Dự án, thứ hai là phải chịu khó, phân bổ thời gian để có thể hoàn thiện nhiều kỳ thi cùng 1 lúc nên yếu tố sức khoẻ cũng rất là quan trọng”, em Nguyễn Quang Trường chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Nhiều năm qua, trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn có nhiều cách làm trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ học sinh sáng tạo KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Định, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: “Kết quả cuộc thi KHKT năm vừa rồi là nguồn động viên vô cùng to lớn cho nhà trường cho những chương trình năm tiếp theo và từ đó, cũng khẳng định được những nỗ lực, cố gắng hết sức to lớn từ sự quan tâm của nhà trường đến sự nỗ lực, cố gắng của học sinh”.

Hoạt động nghiên cứu KHKT ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ trong trường học. Đây là một trong những thước đo đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện, do đó ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các sân chơi KHKT cho học sinh tham gia./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *