(kontumtv.vn) – Giao đất, giao rừng nhằm đảm bảo mục tiêu kép trong quản lý bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập của người dân là nội dung chính được thảo luận trong Hội thảo tham vấn thực hiện giao đất giao rừng và giải pháp quản lý bảo vệ rừng tại huyện Kon Plông trong sáng ngày 15/12. Dự Hội thảo có ông Trần Văn Việt, Vụ Kinh tế – Hội nhập, Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp và đại diện Liên hiệp Hội KH&KT các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Hội thảo nhằm chia sẻ, thảo luận những kết quả đạt được trong quá trình giao đất, giao rừng của các địa phương; chỉ ra các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các phương pháp tiếp cận tổ chức giao đất, giao rừng phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, cách thức thực hiện các chính sách cần thiết hỗ trợ việc giao đất giao rừng và các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó, tìm ra giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, duy trì được phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống theo mô hình “rừng – ruộng”, hạn chế được tình trạng xâm lấn đất rừng.

Theo đó, đến nay, tỉnh Kon Tum đã thực hiện giao đất, giao rừng với tổng diện tích gần 80.000 ha cho hơn 5.700 hộ gia đình và hơn 10.000 ha cho 57 cộng đồng. Trong đó, có hơn 50.000 ha đất có rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ riêng huyện Kon Plông, từ năm 2014 đến nay, 19 thôn của 03 xã Pờ Ê, Đăk Nên và Măng Cành được giao hơn 4.400 ha với tổng số hộ được hưởng lợi trực tiếp hơn 1.400 hộ.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh việc giao đất giao rừng là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra mục tiêu kép trong việc giao đất giao rừng trong điều kiện cụ thể của tỉnh Kon Tum, đó là toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự, rừng được quản lý, bảo vệ tốt và đời sống các cộng đồng dân cư thôn, người dân sống gần rừng được cải thiện và thoát nghèo bền vững.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *