(kontumtv.vn) – Huyện Sa Thầy sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc và các di tích lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân đội Nhân dân địa phương trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Để đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, huyện chú trọng quảng bá tiềm năng, xây dựng hình ảnh Sa Thầy là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh và cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 30km, huyện Sa Thầy có lợi thế về nhiều mặt để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với phát triển nuôi thủy sản. Trên địa bàn huyện có 2 lòng hồ thủy điện lớn Ya Ly, Plei Krông cùng nhiều hồ, đập thủy lợi với nguồn lợi thủy sản dồi dào là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước gắn với nuôi và đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, huyện còn có vườn Quốc gia Chư Mom Ray rộng khoảng 56.000ha, với nguồn tài nguyên sinh học vô cùng đa dạng, nhiều loại thực vật, động vật quý; hệ thống thác nước hùng vĩ như thác Khỉ, thác Nàng Tiên, thác Hang Dơi, thác Chàng, thác Bêrê Y, thác 7 tầng… phân bố đều khắp trong rừng có sức hút đối với những người thích khám phá, yêu thiên nhiên, là tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Bà Trần Thị Hồng, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: “Khi đến Kon Tum tôi thuê một homestay ở đấy người ta dựngcảnh núi rừng. Sau đó hai mẹ con thuê xe máy đi hết các cung đường. Đến khi đi gần như hết rồi thì mới tìm ra một nơi gọi là vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Và mê nhất là những hòn đá trên thác và rêu nhưng không phải rêu trơn, mà rêu đã thành cây. Tôi được lồng mình vào một khung cảnh hùng vĩ, nguyên sơ. Đêm về nhắm mắt là tôi thấy những cảnh ấy lại hiện lên.”

Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, Sa Thầy là vùng căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn liền nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Điển hình như Khu tưởng niệm Chư Tan Kra ở thôn Thanh Xuân, xã Ya Xiêr được xây dựng trên diện tích 3ha, gồm quần thể khu tưởng niệm, nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, khu nghĩa trang, nhà văn hóa đón tiếp khách và thân nhân liệt sỹ cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ. Công trình lịch sử tâm linh này thể hiện lòng tri ân, đạo lý nhân văn ngàn đời của dân tộc. Hằng năm, huyện Sa Thầy tiếp đón nhiều đoàn du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và nhất là phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của khách thập phương.

Ngoài ra, dãy Chư Tan Kra được các chuyên gia đánh giá cao để phát triển môn thể thao dù lượn bởi địa hình đồi núi nhiều tầng, độ cao phù hợp. Sau khi khảo sát hoàn tất, UBND huyện đã tạo điều kiện để nhà đầu tư khai thác tour, xây dựng các bãi cất cánh, hạ cánh cũng như đón du khách đến địa phương. Để phát huy tiềm năng này, tháng 4/2022, huyện Sa Thầy đã tổ chức trình diễn dù lượn với chủ đề “Bay trên đại ngàn Sa Thầy năm 2022”. Sau các hoạt động trình diễn, mới đây, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Giải dù lượn tỉnh Kon Tum mở rộng “Khám phá đại ngàn – Sa Thầy 2023” quy tụ hơn 120 phi công tham dự, trong đó có 26 phi công dù lượn người nước ngoài đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc kết nối môn thể thao dù lượn với các loại hình du lịch khác như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tâm linh đã góp phần lan tỏa thông điệp Sa Thầy là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách. Ông Lê Minh – Trưởng Câu Lạc bộ SaiGon Paragliding cho hay: “Lần đầu đến đây tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Ở đây có vườn Quốc gia Chư Mom Ray, có đài liệt sĩ và các điểm cao đã đọc trong lịch sử, tôi rất phấn khích. Hàng năm đến đây bay, tất cả các mùa bay thì tôi rất là vui, thích thú với điểm bay này, trong đó thì các bạn mới, có những người nước ngoài rất là thích thú, có gì đó rất là khác biệt. Rất lợi thế so với các điểm bay trên thế giới vì không bị ảnh hưởng bởi mưa. Dù lượn cần điều kiện khí hậu nắng và khô, gió ôn hòa. Điểm ở đây rất phù hợp với các hạng mục bay đường trường.”

Môn thể thao dù lượn đã mang lại sân chơi giao lưu tích cực cho các phi công, đồng thời giúp du khách trong và ngoài nước được chiêm ngưỡng những nét đẹp phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, con người và các sản phẩm dịch vụ nơi đây, thúc đẩy phát triển ngành du lịch của huyện Sa Thầy nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và huyện, ngành du lịch của địa phương hứa hẹn khởi sắc, phát triển bền vững trong giai đoạn hậu Covid-19. Đây cũng là điều kiện mở ra cơ hội phát triển kinh tế- xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng, góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sa Thầy rất lớn và có nhiều lợi thế. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới, địa phương chú trọng thu hút các nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, xây dựng huyện Sa Thầy trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, cộng đồng, lịch sử, tâm linh… kết nối với các tuor du lịch của tỉnh và của cả nước. Tin rằng, huyện Sa Thầy có thể phát triển tốt ngành công nghiệp không khói với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác nhau, đặc trưng để du khách có nhiều sự lựa chọn./.

CTV Diệp Hoàng – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *