(kontumtv.vn) – Giáo dục huyện Ia H’Drai vốn gặp nhiều khó khăn do đặc thù của địa phương mới thành lập, lại là khu vực biên giới. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, sự đóng góp của toàn xã hội, từ con số “âm”, không có cơ sở vật chất về phòng học, không có các thiết chế văn hóa, thiếu con người thực hiện nhiệm vụ,… giờ đây, bộ mặt GD&ĐT huyện đã có những bước khởi sắc cả về số lượng lẫn chất lượng giáo dục.

Năm học 2022 -2023, Trường TH -THCS Nguyễn Du, xã Ia Dom xây dựng mới 6 phòng học, 6 phòng bộ môn và 1 phòng thư viện. Được hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất, bên cạnh niềm phấn khởi khi tổ chức các hoạt động dạy và học tốt hơn, thì thầy, trò nhà trường cũng phần nào áp lực, phải cố gắng hơn để xứng đáng với kỳ vọng của huyện, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2021-2025. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Linh – Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nguyễn Du cho biết: “Theo lộ trình của trường đã đạt được các tiêu chuẩn 1, 2 và 4. Tiêu chí cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học đã được đầu tư, bố sung, đó là tiêu chí khó nhất thì đã được bổ sung, nên các tiêu chí còn lại nhà trường sẽ phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt được trường chuẩn quốc gia mức độ 1.”

Thời gian qua, hạ tầng nông thôn của huyện Ia H’Drai ngày càng khang trang, quy mô và mạng lưới trường lớp có cơ cấu hợp lí giữa các ngành học, cấp học. Ia H’Drai là huyện duy nhất trong tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trường phổ thông liên cấp, không có trường TH, THCS riêng biệt. Hiện nay, huyện có 7 trường mầm non và phổ thông. Các trường đều đảm bảo mọi chế độ chính sách cho học sinh, giúp phụ huynh yên tâm khi cho con em đến trường. Theo cô giáo Huỳnh Thị Lệ Hương  – Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc, những khó khăn đã được nhà trường khắc phục, đường sá đi lại dễ dàng, các điểm trường lẻ đã đầu tư cơ sở vật chất, càng phấn khởi hơn vì các điểm, các lớp học ở đây cũng đang được xây dựng mới, nhất là có phòng học chức năng cho trẻ hoạt động.

Nhìn diện mạo huyện Ia H’Drai hôm nay khó có thể hiểu hết những vất vả mà đội ngũ giáo viên đã trải qua thời gian trước đây. Vượt những con đường dài, gắng mình trước thời tiết khắc nghiệt, nóng bức và vật chất thiếu thốn, các giáo viên như những người hùng nhỏ bé bám trụ vùng biên cương Tổ quốc. Điển hình như cô giáo Lê Thị Lành, Trường TH-THCS Hùng Vương, xã Ia Đal. Suốt 5 gắn bó, cô rất mừng vì điều kiện sống và làm việc dần cải thiện. Điều này càng thôi thúc cô cùng các đồng nghiệp quyết tâm hơn trong sự nghiệp trồng người. Cô giáo Lê Thị Lành chia sẻ: “Từ khi lên đây thì ngôi trường TH-THCS Hùng Vương vẫn là trường TH Tô Vĩnh Diện chưa có phân hiệu cấp 2, nhà công vụ của giáo viên lúc đó mới là nhà gỗ, nhà tạm bợ thôi. Đến bây giờ được sự hỗ trợ nên nhà công vụ của giáo viên rất đảm bảo, có nhà bếp ăn tập thể, đối với học sinh, đa số là học sinh DTTS, sự tiếp cận của các em còn hạn chế nhưng có điều may mắn là các em đều rất là chăm ngoan.”

Quá trình hình thành của ngành GD huyện Ia H’Drai bắt đầu từ năm 2012 khi 9 thôn thuộc khu vực phía Nam xã Mo Rai, huyện Sa Thầy được thành lập, làm tiền đề thành lập 3 xã và từ năm 2015 là huyện Ia H’Drai. Đến nay, ngành giáo dục huyện đã đạt những kết quả tích cực. Nếu như năm học 2017 – 2018, học sinh toàn huyện là trên 1.800 học sinh thì năm học 2022-2023 tăng hơn 1.200 em, với tổng số trên 3.000 học sinh. Dù là huyện mới nhưng hằng năm tỷ lệ học sinh 5 tuổi, học sinh phổ thông ra lớp đều đạt trên 95%; thành tích trong các kì thi học sinh giỏi, các phong trào được duy trì và cải thiện. Các trường học triển khai chương trình GDPT 2018 đúng lộ trình, hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Xuân Thái – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia H’Drai cho biết: “Huyện Ia HĐrai mới được thành lập đối với ngành Giá dục còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau 8 năm đã giải quyết 3 vấn đề lớn: thứ nhất là đội ngũ giáo viên, tuy là thiếu cục bộ nhưng Phòng GD&ĐT đã sắp xếp, bố trí cho đội ngũ giáo viên dạy đúng phân môn theo chương trình GDPT 2018; thứ 2 là tham mưu cho UBND huyện xây dựng phòng ốc, trang thiết bị đầu tư cho các trường; thứ 3 về chất lượng cũng đã nâng lên.”

Có thể thấy, ngành GD&ĐT huyện Ia H’Drai đã từng bước chuyển mình trong gian khó. Đây là cơ sở để ngành tiếp tục vững tin khắc phục mọi khó khăn, thách thức và trở thành động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực biên giới hôm nay và mai sau./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *