(kontumtv.vn) – Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây nên. Đây là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong gần 100%. Tiêm vắc-xin là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại. Do đó, người dân nên nâng cao ý thức trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại.
Chỉ vài ngày sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn, em A Khơ, sinh năm 2011 ở thôn Klâu Ngor Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đã tử vong. Trong khi đó, nếu được tiêm phòng sớm, tính mạng của em hoàn toàn có thể cứu được. Thế nhưng vì thiếu kiến thức về bệnh dại nên gia đình không đưa con đến bệnh viện điều trị kịp thời, chỉ khi có những biểu hiện như sợ nước, khó thở, sốt… gia đình mới đưa đi khám. A Anh Thoăn, ba của em A Khơ nói: “Hồi đó thì chó cắn nó cũng không nói với bố mẹ là bị chó cắn, nên khi nó đau thì mình tưởng là đau bình thường thôi, đi mua thuốc về uống cũng không biết bị bệnh gì. Ngày sau nặng mới ra bệnh viện, đến ngày thứ ba mới lên Phòng Nhiệt đới khám mới biết là bệnh dại.”
Trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại. Trong đó, đa phần là ở các xã vùng DTTS của huyện Đăk Glei và thành phố Kon Tum. Cách đây 5 năm, cháu trai của chị Y Uưr ở thôn Kon Tum Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum bị chó mang vi rút dại cắn. Tuy nhiên, gia đình không đưa cháu đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời, vài ngày sau, khi thấy có dấu hiệu lên cơn dại, người nhà mới đưa vào Bệnh viện, nhưng do bệnh trở nặng nên cháu tử vong.
Các trường hợp tử vong vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh chủ yếu do người dân không đi tiêm phòng vắc xin và chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng DTTS, nơi có tập quán nuôi chó, mèo thả rông mà không tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh dại gặp nhiều khó khăn do người dân còn tâm lý chủ quan khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân vẫn chưa tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho người cũng như cho chó, mèo. Ông Nguyễn Hữu Bình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho hay: “Địa phương cũng có nhiều khó khăn, thứ nhất là về điều kiện khi mà chó vô tình cắn thì ý thức của họ cũng chưa được tốt lắm. Thứ hai là vấn đề tiêm phòng thì đối với những người có điều kiện thuận lợi, có kinh tế dồi dào thì họ quan tâm, còn với những hộ khó khăn thì cũng rất khó vận động đi tiêm.”
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi lên cơn dại, tỉ lệ tử vong hầu như 100%. Mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi mang vi rút dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Khi bị chó, mèo cắn, người dân không nên chủ quan, cần thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời và đến ngay cơ sở y tế để điều trị. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Vân khuyến cáo: “Khi mà đã bị chó cắn, cào, xước vết thương thì người dân phải xối, rửa tất cả vết thương đó trong vòng 15 phút và rửa bằng nước sạch, nước xà phòng, sau đó sát khuẩn lại bằng cồn khoảng 45 – 70 độ, hoặc cồn I ốt, sau đó người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn.”
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 09 trường hợp tử vong do bệnh dại. Vì vậy, khi bị động vật cào, cắn không tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian, nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, vắc-xin phòng bệnh dại là vắc-xin an toàn, phụ nữ mang thai cũng có thể tiêm vắc-xin này./.
Đăng Huy – Công Luận