(kontumtv.vn) – Văn hóa đọc phải được rèn luyện ngay từ nhỏ và trường học chính là môi trường lý tưởng để các em học sinh trau dồi, hình thành nên thói quen đọc sách. Để lan tỏa văn hóa đọc, nhiều cơ sở trường học đã có cách làm hay, hiệu quả, qua đó, khuyến khích lứa tuổi học sinh, thiếu niên, nhi đồng hăng say tìm tòi, khám phá tri thức từ những trang sách, tác phẩm hay.

Sách chính là cầu nối tri thức, giúp bồi đắp nhân cách và làm giàu thêm tâm hồn, trí tuệ. Say mê với những trang sách ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, em Nguyễn Huỳnh Nhật Hạ, học sinh lớp 9D1, Trường THCS-THSP Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum cho biết, bản thân có thói quen sưu tầm các đầu sách hay để góp thành một thư viên nhỏ cho riêng mình. Đến nay, thư viện của Nhật Hạ đã có trên 100 đầu sách thuộc lĩnh vực văn học, hội họa, lịch sử và sách kỹ năng. Bí quyết của em là chịu khó đọc bình luận và tìm kiếm thông tin giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội như Facebook, báo điện tử,… Đặc biệt, hiểu được vai trò, giá trị của sách đối với trí tuệ và tâm hồn, Nhật Hạ đã chủ động chia sẻ niềm đam mê đọc sách đến các bạn trẻ bằng những việc làm thiết thực. Nhật Hạ chia sẻ “Bản thân em cũng có một số hoạt động riêng để mà quảng bá, tuyên truyền văn hóa đọc. Ví dụ như năm ngoái, em có tổ chức một số chương trình đọc sách cho các em tiểu học để tuyên truyền, lan rộng văn hóa đọc. Và cũng có một số hoạt động trong nhà trường ví dụ như giới thiệu sách, bán sách giữa các bạn với nhau rồi đọc sách trong thư viện nhà trường, giới thiệu sách cho nhau, những hoạt động sân khấu hóa thì đó là cách em tiếp cận với sách và lan rộng văn hóa đọc cho mọi người”.

Lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, thay vì xây dựng mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, nhiều trường học đã thiết kế những góc thư viện sáng tạo như góc văn hóa địa phương, góc thiên nhiên, góc tra cứu, góc sáng tạo – nghệ thuật… để thu hút học sinh. Phòng đọc của thư viện luôn đảm bảo không gian thoáng mát, rộng rãi, trang bị đầy đủ các loại tài liệu, tư liệu, dụng cụ, đồ vật minh họa theo chủ đề. Nhà trường cũng chú trọng thiết kế không gian thư viện thân thiện ở sân trường và các lớp học; đồng thời thường xuyên bổ sung đa dạng các đầu sách để phù hợp với nhu cầu tìm tòi, học hỏi của học sinh. Cô giáo Võ Nguyên Hằng ở Trường THCS-THSP Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum nói: “Ở trường chúng tôi, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng học tập của học sinh thì các hoạt động ngoài giờ lên lớp rất được quan tâm. Đặc biệt trong đó là việc truyền cảm hứng đọc cho học sinh. Trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, các buổi chào cờ, chúng tôi thường chọn những quyển sách hay, ý nghĩa để giới thiệu đến các em và có 1 hoạt động chúng tôi tổ chức thường xuyên đó là chia sẻ và giới thiệu những tác phẩm văn học cho các em bằng cách sân khấu hóa và tôi nghĩ điều này sẽ giúp các em tiếp cận và hiểu được tác phẩm này dễ, nhanh chóng hơn”.

Nhân lên niềm hăng say đọc sách của học sinh chính là sự gương mẫu, đi đầu của các giáo viên. Được thầy cô khuyến khích, động viên kịp thời, các em càng yêu hơn, quý hơn từng trang sách. Em Lò Huyền Thương, học sinh lớp 11A, Trường PTDTNT tỉnh phấn khởi nói: “Qua những sách, tác phẩm em đã được đọc thì em học tập cũng như biết rất là nhiều kỹ năng như là biết được lịch sử của Kon Tum và tất cả lịch sử quan trọng của Việt Nam chẳng hạn và kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống chúng ta. Hơn hết là chúng em có nhiều vốn từ hơn tại vì em là người dân tộc thiểu số nên là em càng đọc nhiều thì em càng có nhiều vốn từ hơn, để giao tiếp tự tin với các bạn người Việt ở bên ngoài”.

Là sự sáng tạo của trí tuệ và tâm hồn, sách mở ra chân trời tri thức, giúp kết nối yêu thương, hàn gắn những mất mát và sẻ chia nỗi buồn. Theo lẽ đó, sách chính là bạn, là tri kỷ của người đọc. Càng có thêm người yêu sách, xã hội càng nhân lên những điều tốt đẹp. Trong nhịp sống hiện đại, điều này càng quan trọng, càng quý báu biết bao./.

Thu Trang – Công Luận – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *