(kontumtv.vn) – Được biết đến là địa phương đa sắc màu văn hóa, với sự giao thoa văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc anh em, thời gian qua, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại huyện Đăk Hà ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Nghe tin thôn Đăk Kang Yốp được UBND huyện tặng bộ cồng chiêng, Trưởng thôn A Nẻo và già A Nỉh rất phấn khởi. Niềm trăn trở, mong ước đưa tiếng cồng, tiếng chiêng trở lại cuộc sống thường ngày của dân làng đã trở thành sự thật. Những thanh thiếu niên của thôn cũng đã thông thuộc nhiều bài cồng chiêng, điệu xoang truyền thống của người Ba Na –nhánh Rơ Ngao sau gần hai tháng được các nghệ nhân truyền dạy. Tiếng cồng chiêng trở lại làng sau hàng chục năm vắng bóng khiến ai nấy đều phấn khởi. Già A Nỉh vui vẻ nói: “Được Phòng Văn hóa tặng bộ cồng chiêng thế này, ai cũng vui mừng. Kể cả bảo đóng góp để hỗ trợ các nghệ nhân họ cũng tham gia đóng góp để họ truyền dạy cồng chiêng cho con cháu mình. Ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, ai cũng ủng hộ hết.”

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, bên cạnh chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân, huyện Đăk Hà đã mở 52 lớp truyền dạy và duy trì tập luyện 52 đội cồng chiêng thanh thiếu niên tại 45/47 thôn, làng DTTS. Mặt khác, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ, đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Em Nguyễn Thị Tường Vi, học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Ngọk Réo chia sẻ: “Em rất vui và tư hào được đại diện các bạn trong xã ra giao lưu với các bạn. Mong muốn của em là sẽ mang được nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình ra đây giới thiệu với các bạn và em cũng học hỏi được nhiều về giá trị truyền thống của các bạn.

Bên cạnh bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, xoang, việc duy trì các bản sắc văn hóa như nghề truyền thống, nhạc cụ, ẩm thực, thổ cẩm… của các DTTS cũng được quan tâm chú trọng, được sự đồng thuận, hưởng ứng của đội ngũ nghệ nhân. Như tại làng Kon Trang Long Loi, nghệ nhân Y Gáp là một trong số ít người còn giữ được nghề dệt của người Ba Na- nhánh Rơ ngao trên địa bàn huyện Đăk Hà. Năm 2019, cùng với chủ trương phát triển làng văn hóa cộng đồng Kon Trang Long Loi, UBND huyện Đăk Hà đã hỗ trợ kinh phí để bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống. Được tiếp thêm động lực, bà Y Gáp chịu khó tìm hiểu, học hỏi để làm đẹp thêm những đường nét, hoa văn trên những tấm thổ cẩm mình dệt ra. Đồng thời vận động phụ nữ trong làng tiếp tục duy trì nghề dệt và truyền dạy lại cho con, cháu mình. Nghệ nhân Y Gáp bày tỏ: “Trước kia ông già bà cụ họ biết nhưng họ không chia sẻ với nhau. Nhưng hôm nay thời đại mới rồi, lại được huyện cấp cho vải, chỉ rồi thì mình cũng cố gắng trong làng mình chia sẻ cho nhau để biết như ngày xưa. Có sản phẩm của mình rồi thì mình cũng muốn ai cũng thích, ai cũng thèm. Mình phải học hỏi những người giỏi hơn đấy, mình thấy họ giỏi thì mình đi tham quan để mình hiểu biết. Mình làm ra rồi mà người tham quan đi lại thích thì mình cũng bán cho người ta.”

Huyện Đăk Hà hiện có 22 dân tộc anh em đang sinh sống. Cùng với thực hiện các đề án, chính sách trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng đã được quan tâm đúng mức. Qua đó, huy động được các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, ông Trần Anh Dũng – Trưởng phòng VHTT huyện Đăk Hà cho biết huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh; tổ chức tốt các lớp truyền dạy công chiêng cũng như các hoạt động thực hành về biểu diễn, bảo tồn văn hóa truyền thống; tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa cồng chiêng, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn.

Với sự quan tâm đúng mức cùng nhiều giải pháp linh hoạt, thiết thực được triển khai, huyện Đăk Hà đã thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, vừa khai thác được thế mạnh của lĩnh vực này phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *