(kontumtv.vn) – Cách đây 49 năm – 24/4/1972, với khí thế “Trường sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là động lực để Đăk Tô vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mỗi khi đến thăm tượng đài Đăk Tô Tân Cảnh, thăm xe tăng 377 huyền thoại, những kí ức về trận chiến Đăk Tô – Tân Cảnh năm nào lại ùa về trong tâm trí của Thiếu tá Lại Hợp Phường, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Đăk Tô. Gắn bó với chiến trường Kon Tum từ năm 1965, là bộ đội địa phương thuộc đơn vị C2, Huyện đội 67, ông đã trực tiếp dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến vào căn cứ 42, Đăk Tô – Tân cảnh ngày 23/4/1972. Với khí thế “Trường sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương” đến 11h ngày 24/4/1972, Đăk Tô – Tân cảnh hoàn toàn được giải phóng. Ngay sau đó, Thiếu tá Lại Hợp Phường bắt tay vào nhiệm vụ di dân đến vùng an toàn. Thiếu tá Lại Hợp Phường  nhớ lại: “Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh xong chúng tôi nhanh chóng đưa dân về phía sau để tránh bom, tránh tàn sát quay lại của địch cho nên là nhanh chóng đưa bà con người địa phương, trong đó có một làng người kinh tức là làng Chư Lễ (giờ đang ở Kon Đào) về chân núi Ngok Tụ, bảo đảm an toàn. Còn làng Đăk Ri thì chúng tôi đưa vào đồi Sạc Ly tức là gần chỗ căn cứ 5, địch không có oanh tạc”.

Căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh được Mỹ củng cố, xây dựng vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm. Do đó, Đăk Tô – Tân Cảnh được Đảng ta chọn đánh hiệp đồng binh chủng, gồm phòng không, có tên lửa tầm nhiệt, pháo binh, công binh, bộ binh, nhân dân. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Hơn 40 năm tham gia quân đội, Đại tá A Bông, Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh huyện Đăk Tô nhận định, nét đặc sắc nhất của trận chiến Đăk Tô – Tân Cảnh là tác chiến hiệp đồng binh chủng để tập trung lực lượng áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Đại tá A Bông kể: “Giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 trước khi giải phóng năm 1975 tất cả mọi lực lượng như là du kích, dân công, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tất cả đều ra sức để giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh, đó là một sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân. Đặc biệt là có cả pháo binh và xe tăng của bộ đội chủ lực, đảm bảo làm nên một sức mạnh cực kì to lớn”.

Huyện Đăk Tô có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên. Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh đã giải phóng một vùng đất rộng lớn với hàng ngàn dân; làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường Tây Nguyên, cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ – Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris năm 1973. Chiến thắng này cũng giúp bộ đội ta chuyển hướng vận tải vũ khí, lương thực từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo Thiếu tá Lại Hợp Phường, để tạo nên chiến thắng mang ý nghĩa thời đại đó là nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng về nhân lực, vật lực và giữ bí mật tác chiến đến cùng: “Chiến thắng Đăk Tô còn mang một yếu tố bất ngờ, bí mật. Bất ngờ bí mật ở đây có 2 điều, thứ 1 là khi xe tăng của ta, đến ngay người lính chúng tôi cũng không biết được là mình đã có xe tăng; bí mật thứ 2 là tên lửa ngày xưa mình bắn vào điều khiển từ xa nên những yếu tố bất ngờ đó kết hợp với chặt chẽ ba thứ quân cho nên là khi tấn công lên cái thì coi như địch nó bỏ chạy”.

Sau giải phóng, người dân Đăk Tô – Tân Cảnh phải gồng sức trước sự tàn phá của chiến tranh. Với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Tô, đến nay, huyện đã có những đổi thay đáng phấn khởi, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư, mở rộng; đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao và Đăk Tô cũng là địa phương có nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Ông A Rý, Hội CCB huyện Đăk Tô nói: “Xưa là khổ lắm, ăn không có, đi làm rẫy đâu có cơm ăn. Được nhà nước quan tâm, bây giờ Đăk Tô phát triên khác năm kia, giờ gia đình nào cũng có ti vi, xe máy, làng nào làm kinh tế giỏi mua được máy cày thay đổi hết, đường sá phố phường đổ bê tông hết”.

Với giá trị lịch sử to lớn, chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh cùng với các di tích Khu tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô đang ngày ngày nhắc nhở mọi người, nhất là giáo dục thế hệ trẻ về sự anh dũng hy sinh của cha anh vì mảnh đất Đăk Tô, từ đó vun đắp lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Em Y Chi, học sinh Trường PT DTNT Đăk Tô nói: “Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh các bác cựu chiến binh đã kể lại và Đoàn trường đã tổ chức ngoại khóa ở di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Em rất là tự hào và cố gắng tiếp thu những truyền thống cha ông đã để lại”.

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng khí thế của chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh dường như vẫn hừng hực, nhất là vào mỗi độ tháng Tư về. Thắng lợi vẻ vang đó sẽ luôn song hành cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Đăk Tô trong xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *